Thời gian gần đây, hành vi ẩu đả, hành hung sau va chạm giao thông xảy ra ngày càng nhiều, để lại những hậu quả đau lòng, thậm chí mất mát về người và tài sản.
Tại TP Huế cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, những vụ việc tưởng chừng đơn giản chỉ là va chạm giao thông, nếu được giải quyết bằng thái độ bình tĩnh và văn minh, đã có thể nhẹ nhàng khép lại. Thế nhưng, đáng tiếc, không ít trường hợp lại kết thúc bằng nắm đấm, dao kéo, thậm chí tước đoạt mạng sống của nhau chỉ vì một phút thiếu kiềm chế.
Điển hình gần đây, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại vụ va chạm giao thông xảy ra trên đường Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ, quận Thuận Hóa, TP Huế. Theo hình ảnh từ camera hành trình, hai mô tô xảy ra va chạm khi đang lưu thông.
Dù vụ va chạm không gây thiệt hại đáng kể, một nam thanh niên lập tức hùng hổ bước xuống, lao vào gây gổ và có hành vi hành hung người đàn ông trung niên điều khiển phương tiện còn lại.
Ngay khi đoạn clip lan truyền, dư luận bày tỏ sự phẫn nộ và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm minh. Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Huế phối hợp cùng Công an phường Vỹ Dạ nhanh chóng xác minh danh tính người có hành vi côn đồ là Phạm Q. (SN 2002, trú tại xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang).
Làm việc với cơ quan công an, Phạm Q. thừa nhận hành động của mình. Theo lời khai, khi xảy ra va chạm, do vợ đang mang thai ngồi phía sau, lo sợ cho an toàn của vợ khiến anh ta mất bình tĩnh và không làm chủ được hành vi.
Ở chiều ngược lại, người điều khiển phương tiện bị hành hung, ông Huỳnh Năm, cũng thừa nhận có phần lỗi khi vội vã đưa cơm trưa cho vợ đang điều trị tại bệnh viện, dẫn đến không giữ khoảng cách an toàn. Cả hai bên sau đó đã thống nhất tự khắc phục thiệt hại, tuy nhiên, hành vi hành hung của Phạm Q. vẫn sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Không phải lúc nào những vụ va chạm giao thông cũng dừng lại ở việc đôi bên hòa giải. Thực tế, đã có những vụ việc mà hậu quả là mất mát tính mạng, tất cả chỉ vì một phút giận dữ, không kiểm soát được bản thân.
Cuối tháng 3/2025, TAND TP Huế xét xử Nguyễn Cửu Quốc (SN 1994) về tội “Giết người”. Nguyên nhân bắt nguồn từ một vụ va chạm giao thông tưởng chừng đơn giản trên đường Xuân 68 (phường Đông Ba). Quốc suýt bị ngã do Nguyễn Văn Bình (SN 1996) vượt ẩu, nên bực tức đuổi theo rồi lời qua tiếng lại.
Khi xung đột lời nói chưa kịp lắng xuống, cả hai nhanh chóng lao vào ẩu đả. Trong cơn giận dữ, Quốc đã rút dao thủ sẵn trong người, đâm liên tiếp khiến Bình tử vong ngay trên đường đi cấp cứu.
Tại phiên tòa, Quốc thành khẩn khai báo và tỏ rõ sự ăn năn, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo 9 năm tù. Một bản án nghiêm khắc nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai để cơn nóng giận che mờ lý trí.
Tương tự, Trần Sơn Long (SN 1981) cũng trở thành bị cáo trong vụ án “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” chỉ vì một va chạm giao thông nhỏ. Sau va chạm, Long bị nhóm người đi cùng xe máy với Hồ Văn Quang Hùng hành hung.
Trong lúc bị tấn công, Long rút dao chống trả, khiến một người tử vong và hai người khác bị thương. Tòa án đã tuyên phạt Long 4 năm tù. Dù án phạt có phần xem xét yếu tố hoàn cảnh, nhưng không thể phủ nhận nếu ban đầu các bên đủ bình tĩnh, nếu không có những cú đạp xe, những lời chửi bới hay những cú đấm đầu tiên, có lẽ tất cả đã không phải trả giá đắt như vậy.
Những vụ việc kể trên đã cho thấy một thực tế đáng buồn, một va chạm giao thông, một câu nói thiếu kiềm chế, một hành động bột phát... có thể đẩy con người từ vị trí nạn nhân, hoặc người có lỗi, trở thành tội phạm. Pháp luật Việt Nam hiện hành đã có những quy định rõ ràng để xử lý nghiêm minh hành vi côn đồ, hành hung sau va chạm giao thông.
Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, người có hành vi đánh nhau, xúi giục người khác đánh nhau có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 8 triệu đồng. Nếu hành vi gây thương tích hoặc thiệt hại nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, hành vi cố ý gây thương tích có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm, thậm chí chung thân nếu hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nếu hậu quả dẫn đến chết người có thể bị truy tố về tội giết người với khung hình phạt lên đến tử hình.
Ngoài ra, các hành vi cản trở giao thông, gây rối trật tự công cộng, tấn công lực lượng thi hành công vụ… cũng có thể bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Mỗi vụ va chạm giao thông đều có thể giải quyết một cách hòa nhã nếu người trong cuộc có đủ sự kiên nhẫn, bình tĩnh và lý trí. Không ai trong chúng ta có thể chắc chắn mình sẽ không bao giờ gặp sự cố khi tham gia giao thông, nhưng có một điều chắc chắn: cách chúng ta ứng xử sau va chạm sẽ quyết định phần lớn hậu quả.
Đằng sau những cú đấm, những lời chửi bới, những hành động bạo lực… là những hậu quả không thể lường trước. Một phút thiếu kiềm chế có thể đánh đổi bằng những năm tháng tù tội, thậm chí tước đoạt mạng sống của người khác và cướp đi cả tương lai của chính mình.
Văn hóa giao thông không chỉ nằm ở việc chấp hành đúng luật, đi đúng làn, dừng đúng vạch mà còn thể hiện qua thái độ, hành vi, cách ứng xử với người khác trên đường. Lịch sự, kiềm chế, sẵn sàng nhường nhịn sẽ giúp giảm thiểu tối đa những tình huống xung đột không đáng có.
Những vụ việc đáng tiếc liên tiếp xảy ra thời gian qua là hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ cho toàn xã hội. Cơ quan chức năng, lực lượng công an đang ngày càng siết chặt công tác xử lý, tuyên truyền và ngăn chặn những hành vi côn đồ, bạo lực trong giao thông. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự tự giác, ý thức trách nhiệm của từng người tham gia giao thông.
Không có hành động bạo lực nào là “có lý do chính đáng” khi xảy ra trên đường. Pháp luật luôn nghiêm khắc, và xã hội không thể bao dung cho những hành vi mang tính chất côn đồ. Bởi vậy, hãy là người tham gia giao thông văn minh, có trách nhiệm không chỉ vì bản thân, mà còn vì sự an toàn của cả cộng đồng.