Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội được cử tri ghi nhận là thành công. Với gần 250 lượt đại biểu chất vấn và tranh luận, các đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề.
Nhiều đại biểu tranh luận để làm rõ thêm các vấn đề cử tri quan tâm. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội hài lòng với những nội dung trả lời của các thành viên Chính phủ.
Qua 8 kỳ họp, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy sự năng động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, trước cử tri; trách nhiệm, trí tuệ và năng lực hoạt động của các đại biểu Quốc hội tại nghị trường. Không khí dân chủ, đổi mới, tính chuyên nghiệp của hoạt động Quốc hội đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri.
Được biết, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn bắt đầu được thực hiện tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII (tháng 11/2015) với việc lần đầu tiên đại biểu chất vấn trực tiếp những người đứng đầu bộ máy các cơ quan nhà nước ở trung ương trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm diễn ra kỳ họp.
Từ đó đến nay, hoạt động này đã trở thành thông lệ ở các kỳ họp của Quốc hội và ngày càng được không những cử tri cả nước mong đợi mà chính các đại biểu trực tiếp tham dự các kỳ họp cũng háo hức. Mặc dù có một số đại biểu khi chất vấn vẫn đưa ra những câu hỏi thiếu trọng tâm, chệch vấn đề; và vẫn còn Bộ trưởng trả lời không sát, chưa thỏa mãn yêu cầu của đại biểu, nhưng trong kỳ họp này, khá nhiều vấn đề tưởng rất "nhạy cảm" đã được chất vấn, không hề e ngại.
Dư luận cử tri rất quan tâm khi có vấn đề lớn như chủ quyền biển đảo hoặc có liên quan đến giới chức lãnh đạo địa phương như vụ gian lận chấm thi ở Hà Giang được chất vấn. Các nội dung nhạy cảm như tuyển dụng cán bộ, tiêu cực trong lực lượng phòng chống tham nhũng... đều có trong chất vấn.
Chất vấn và trả lời chất vấn là hoạt động cần thiết và quan trọng trong kỳ họp của Quốc hội. Có ý kiến cử tri cho rằng không nên “khoanh” nội dung chất vấn khiến một số vấn đề nóng bỏng trong xã hội không có trong nội dung chất vấn.
Điều đọng lại sau phiên chất vấn mà cử tri rất trông đợi là ở hành động kịp thời, cụ thể của các cơ quan liên quan, nhất là các bộ trưởng trong thực hiện lời hứa trước Quốc hội.
Các chuyên gia cho rằng chất vấn cũng là nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội. Làm tròn trách nhiệm người đại biểu của nhân dân là yêu cầu rất cao, nhưng cử tri hoàn toàn có thể định lượng được điều đó qua những việc làm cụ thể của từng đại biểu trong việc tham gia chất vấn và tiếp nhận sự trả lời chất vấn. Qua đó, thực hiện giám sát việc khắc phục những yếu kém, bất cập, vướng mắc trong quản lý, điều hành của các Bộ trưởng.
Hậu chất vấn phải là hành động!