Hát Xoan Phú Thọ tiếp tục được trao truyền và lan tỏa

Hà Thu| 04/02/2018 12:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tối qua (3/2), Lễ đón bằng UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đối với “Hát Xoan Phú Thọ” đã diễn ra tại miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì.

Niềm vui vỡ òa

Sau 6 năm nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong cộng đồng, cuối tháng 12/2017, hát Xoan Phú Thọ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là "Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".  Đây không chỉ là sự kiện có ý nghĩa trong đại đối với người dân đất Tổ mà còn là niềm tự hào của cả nước khi Hát xoan được đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.  Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

 Hát Xoan Phú Thọ tiếp tục được trao truyền và lan tỏa

Lễ đón bằng UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đối với “Hát Xoan Phú Thọ” đã diễn ra tại miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì tối 3/2/2018

Nhưng quan trọng hơn cả, đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Thọ nói riêng, của Việt Nam nói chung trong bảo vệ các di sản văn hoá; đồng thời khẳng định giá trị vô cùng đặc sắc, quý báu của Hát Xoan Phú Thọ. Đây cũng là một minh chứng sinh động cùng những kinh nghiệm thực tiễn quý báu góp phần nâng cao nhận thức, phương pháp ứng xử đối với các di sản văn hóa, nhất là các di sản trong tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp.

Có mặt tại lễ đón nhận bằng UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đối với “Hát Xoan Phú Thọ”, hơn ai hết, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, bà trùm phường xoan cổ An Thái (Phú Thọ) không giấu được niềm vui và niềm tự hào. “Từ hôm nhận tin đến buổi lễ nhận bằng này, tôi cũng như các nghệ nhân khác đều rất sung sướng, khó có từ nào để diễn tả cảm xúc. Thật bõ cái công chúng tôi cùng nhau gìn giữ, truyền dạy bấy lâu nay. Đây thực sự là món quá quý giá đối với người Phú Thọ quê tôi và chắc chắn nó sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục cùng nhau gìn giữ, bảo vệ di sản quý giá của cha ông để lại”.

Khởi nguồn từ dân gian và lưu truyền theo hình thức truyền khẩu, trải qua hàng nghìn năm lịch sử được cộng đồng gìn giữ, bồi đắp, trao truyền, Hát Xoan đã trở thành di sản văn hóa đặc sắc của người dân Phú Thọ nói riêng và của Việt Nam nói chung. Đó là loại hình nghệ thuật tổng hợp, phối kết nhuần nhuyễn văn học, âm nhạc, múa với lối diễn xướng dân gian đặc sắc của người dân trong thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt.

 Hát Xoan Phú Thọ tiếp tục được trao truyền và lan tỏa

Hát xoan được trao truyền từ người lớn cho đến trẻ em. Ảnh: Nguyễn Việt Thắng

Việc Hát Xoan được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng đã đưa Phú Thọ trở thành địa phương duy nhất trong cả nước sở hữu 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ”.
Có mặt tại buổi lễ đón nhận bằng UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đối với “Hát Xoan Phú Thọ”, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh về “trách nhiệm với lịch sử, với tương lai, với cha ông, với cả nhân loại phải tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản tốt hơn, đặc biệt là đối với di sản đã từng được đưa vào danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp. Niềm vinh dự và trách nhiệm ấy không chỉ của Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức mà đặc biệt quan trọng là của cộng đồng người dân, những người từ nhiều đời đã và đang tiếp tục sáng tạo, gìn giữ, thực hành, trao truyền lại cho các thế hệ mai sau”.

Phó Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp và cộng đồng cùng chung tay thực hiện thật hiệu quả Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa “Hát Xoan Phú Thọ” để Hát Xoan Phú Thọ tiếp tục được trao truyền và lan tỏa đúng với ý nghĩa, bản sắc rất tốt đẹp, rất đặc sắc vốn có; góp phần để nền văn hóa Việt Nam tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại.

Hành trình để Hát xoan trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Hát Xoan là lối hát thờ thần có từ thời các Vua Hùng. Đây  là loại hình dân ca lễ nghi, phong tục gắn với hội mùa, thờ thành hoàng. Hát Xoan ra đời từ các làng cổ nằm trên vùng đất kinh đô Văn Lang xưa (trùng với địa bàn thành phố Việt Trì ngày nay). Có 4 phường Xoan gốc được lấy tên theo địa danh làng cổ, đó là: Phường Xoan An Thái (xã Phượng Lâu), phường Xoan Phù Đức, phường Xoan Kim Đới, phường Xoan Thét (xã Kim Đức). Với tục hát cửa đình của các phường Xoan, từ địa bàn 4 phường xoan gốc trên, hát Xoan đã phát triển và lan tỏa ra 30 đình, miếu thuộc 18 xã của hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

 Hát Xoan Phú Thọ tiếp tục được trao truyền và lan tỏa

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch cùng các đào kép trình diễn cho quan khách tại đình cổ Hùng Lô

Hằng năm, vào ngày mồng Một tháng Giêng, các phường Xoan tiến hành làm lễ ở trước miếu Lãi Lèn và tại đình làng mình rồi cùng nhau lên hát ở Đền Hùng, sau đó chia nhau đi hát ở các làng kết nghĩa.  Hát Xoan có tổ chức phường họ, có những quy định về tổ chức, những tục lệ riêng. Họ Xoan dưới sự dẫn dắt của ông trùm phường rong ruổi tới hát thờ ở các ngôi đình của các làng kết nghĩa…

Hát Xoan được trình diễn trong khoảng thời gian từ lúc lên đèn, qua đêm đến rạng sáng hôm sau thì tan cuộc. Tuy nhiên tùy theo hoàn cảnh kinh tế và tục thờ của mỗi làng mà phường Xoan phục vụ 1 đêm, 2 đêm hay 3 đêm. Nếu là 3 đêm thì trình diễn đủ chương trình gồm các chặng hát vào khoảng hơn 2.000 câu hát.

Hiện nay, 4 phường Xoan cổ nói trên vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn giá trị di sản này... Tuy nhiên “con đường” để hát Xoan trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại cũng khá “gian truân”.

 Hát Xoan Phú Thọ tiếp tục được trao truyền và lan tỏa

 Hát Xoan Phú Thọ tiếp tục được trao truyền và lan tỏa

Các đào, kép nhí phường Xoan An Thái. Ảnh: Nguyễn Việt Thắng

Năm 2009, hát Xoan được lựa chọn xây dựng “Hồ sơ hát Xoan trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới”.

Ngày 24/11/2011, hát Xoan được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại”. Sau 5 năm, ngày 4/12/2015, UNESCO cho phép hát Xoan Phú Thọ là trường hợp di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên và ngoại lệ được tiến hành lập hồ sơ để đến năm 2017, cơ quan này xem xét chuyển từ danh sách di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ngày 8/12/2017, tại Hàn Quốc, phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO chính thức công nhận hát Xoan Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với sự đồng thuận rất cao của các quốc gia thành viên.

Việc hát Xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh là “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” cũng là sự công nhận những nỗ lực của các cấp chính quyền, các phường Xoan gốc ở Phú Thọ và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản này. Theo Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ, trước đây, trong tỉnh chỉ có hơn 100 đào, kép hát Xoan, trong đó một nửa đã hơn 60 tuổi và trong số này, chỉ còn 7 nghệ nhân trên 80 tuổi còn khả năng thực hành, truyền dạy.

 Hát Xoan Phú Thọ tiếp tục được trao truyền và lan tỏa

Đến nay, ngoài 4 phường Xoan gốc, trong tỉnh còn có nhiều câu lạc bộ hát Xoan các cấp với hàng nghìn người tham gia (cấp tỉnh có 34 câu lạc bộ, 1.557 thành viên; cấp huyện có 64 câu lạc bộ với hơn 1.300 thành viên; cấp xã có 42 câu lạc bộ với hơn 1.400 thành viên). Lớp nghệ nhân kế cận (từ 30-60 tuổi) được truyền dạy và đào tạo là 62 người. Trong tỉnh, có 20/30 di tích đình, miếu được bảo tồn, tôn tạo đủ điều kiện tổ chức hát Xoan. Cũng trong nỗ lực bảo tồn, hiện 100% trường tiểu học, trung học cơ sở đưa hát Xoan là một nội dung giảng dạy ở môn âm nhạc…

Được biết, trong năm 2018, tỉnh Phú Thọ tiếp tục triển khai công tác truyền dạy, thực hành hát Xoan cho đối tượng là hạt nhân văn nghệ thuộc các câu lạc bộ hát Xoan và dân ca trên địa bàn, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản hát Xoan Phú Thọ gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; tiếp tục đưa hát Xoan vào trường học…

Tỉnh cũng tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) gắn với công tác vinh danh “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” và “Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ”; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thực hành hát Xoan tại các phường Xoan, đồng thời chú trọng truyền dạy cho thanh, thiếu nhi tại những phường Xoan gốc vì đây là đối tượng trực tiếp tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ngay trên chính mảnh đất quê hương mình...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hát Xoan Phú Thọ tiếp tục được trao truyền và lan tỏa