Hành vi lập công ty để bán hóa đơn sẽ bị xử lý và công khai trên phương tiện đại chúng

Trọng Bằng| 03/12/2015 12:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên chất vấn HĐND Thành phố Hà Nội sáng nay, nhiều đại biểu quan tâm tới vấn đề nợ đọng thuế, mà nguyên nhân quan trọng do các DN vi phạm trong đăng ký kinh doanh, bỏ địa chỉ để trốn thuế, chiếm đoạt thuế.

Hành vi lập công ty để bán hóa đơn sẽ bị xử lý và công khai trên phương tiện đại chúng

Đại biểu Phạm Thanh Mai (Hà Đông) nêu câu hỏi chất vấn

Mở đầu phiên chất vấn nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế, đại biểu Phạm Thanh Mai (Hà Đông) nêu lại con số 10 tháng đầu năm có 12.557 DN bỏ địa chỉ kinh doanh (tăng 47% so với cùng kỳ 2014) và phần lớn DN này đều nợ thuế để hỏi Cục trưởng Cục Thuế số doanh nghiệp (DN) bỏ địa chỉ kinh doanh luỹ kế đến nay có bao nhiêu ? Theo quy định, DN bỏ trốn bị xử lý như thế nào?

Về vấn đề này, Giám đốc Cục Thuế Hà Nội Hà Minh Hải phân tích rõ những khó khăn cơ quan chức năng đang gặp phải đối với các ND vi phạm để trốn thuế, chiếm đoạt thuế. Theo Giám đốc Cục Thuế Hà Nội, hiện các DN bỏ địa chỉ kinh doanh có ba loại đối tượng:

Đối tượng thứ nhất là, các DN thành lập để buôn bán hoá đơn, làm ăn bất hợp pháp. Đối tượng này thành lập xong thì giải thể ngay, rất khó phát hiện. Qua thưc hiện đối chiếu chéo, Cục Thuế đã phát hiện gần 400 tỷ nợ thuế của nhóm đối tượng DN này và đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Bước đầu, năm 2015 đã xử lý một số trường hợp. Đối tượng này thường số nợ thuế không lớn. Cơ quan chức năng đánh mạnh vào ổ nhóm cầm đầu vì chúng rất tinh vi, thường mượn, CMND hoặc thuê người làm giám đốc. Cơ quan công an mất nhiều thời gian mới tiếp cận được đối tượng, nhưng họ lại là xe ôm, đang trong tù, người mất CNND nên xử lý rất khó. Thường hầu hết muốn phát hiện cơ quan công an phải bắt quả tang để xử lý

Đối tượng thứ hai là, những DN thành lập ra nhưng gặp khó khăn phải ngừng nghỉ hẳn thì không nhận diện được.

Đối tượng thứ ba là, bỏ DN này để lập DN khác mà vẫn là cá nhân đó với ý đồ chiếm đoạt thuế. Cục Thuế đang phối hợp với cơ quan công an để nhận diện, kiến nghị về hình thức xử lý vì có dấu hiệu và ý đồ chiếm đoạt tiền thuế.

Giám đốc Cục Thuế Hà Nội cũng cho biết, 10 tháng đầu năm 2005, Cục thuế Hà Nội đã thu nộp ngân sách TP 8.137 tỷ đồng, trong đó thu nợ, thuế, phí là 4.662 tỷ; thu nợ các khoản liên quan đến đất 3.476 tỷ; số nợ thuế còn lại là 21.850 tỷ (trong đó có nợ khó thu là 2.557 tỷ, nợ có khả năng thu là 19.292 tỷ).

Mặc dù cơ quan thuế đã quyết liệt đôn đốc thu nợ cưỡng chế nợ thuế nên số nợ có khả năng thu đã giảm so với đầu năm, nhưng số thuế nợ đến thời điểm 31/10/2015 vẫn ở mức cao. Qua làm việc với các DN, nhiều đơn vị rất khó khăn và khó có khả năng thu hồi. Trong số nợ thuế, trên 50% là của các DN xây dựng cơ bản. Thành phố và các địa phương đã làm việc rất quyết liệt, nhưng đây thực sự là khó khăn thách thức với cả DN và ngành thuế.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thùy tiếp tục đề nghị làm rõ phân cấp nhiệm vụ thu thuế phí giữa các chi cục thuế, vấn đề hậu kiểm của ngành với các DN.

"Chúng ta có tổ đội, có cán bộ chuyên quản mà tại sao các DN mới đăng ký, không hoạt động mà không theo dõi được, để nợ thuế lớn?", đại biểu Thùy nêu vấn đề.

Nhìn nhận trách nhiệm một cách sâu sắc hơn, đại biểu Lê Văn Thành cho rằng, việc thất thu thuế, thành lập công ty để xuất hóa đơn trái phép là vấn đề rất nghiêm trọng. Để công bằng giữa các DN, cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an phải làm đến nơi đến chốn, không được làm dở dang. Do đó, phải xem xét việc thành lập công ty thật thận trọng.

Hành vi lập công ty để bán hóa đơn sẽ bị xử lý và công khai trên phương tiện đại chúng

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Công an Thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, các hành vi vi phạm liên quan đến việc thành lập công ty để bán hóa đơn sẽ bị xử lý nghiêm túc và sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian tới 

Làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến xử lý DN trốn khỏi nơi sản xuất và kinh doanh, sử dụng hóa đơn giả trong nhiệm vụ, chức năng của cơ quan Công an, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Công an Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, công an đã phối hợp với ngành thuế xác minh hơn 300 công ty bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh và truy thu thuế bỏ trốn của các công ty này.

Đáng chú ý, năm 2014, Công an đã phát hiện ra một loạt công ty do Nguyễn Trường (SN 1963, trú tại Thanh Nhàn, Hà Nội) vi phạm trong hoạt động. Trường đã đứng ra cùng 2 đối tượng khác thành lập 16 công ty, gồm: Công ty TNHH Phương Bắc, Ngọc Châu, Hoa Việt, Hồng Tiến, Đức Quang, Xuân Lộc, Nam Quân, Nhất Trung, Mạnh Tuấn, Phúc Minh. Các đối tượng đã thành lập các công ty này với các ngành nghề khác nhau, sau đó vào TP. Hồ Chí Minh thuê in hóa đơn để bán cho hơn 2.000 cơ quan, đơn vị, DN với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Khi chuyển tiền, các công ty mua hóa đơn cầm tiền mặt và trả cho Trường 12% số tiền ghi trên hóa đơn.

Những hóa đơn vi phạm này sau đó được dùng cho hợp thức hóa các khoản chi tiêu công, hợp thức hóa đơn đầu vào của các hàng hóa nhưng cũng có dấu hiệu tham nhũng. Cơ quan công an đang phân loại các đối tượng mua hóa đơn để có biện pháp xử lý và hiện đã truy thu được hơn 50 tỷ đồng và nhiều diện tích đất từ các đối tượng mua hóa đơn.

Qua thực tiễn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Công an Nguyễn Đức Chung cho biết, hoạt động quản lý các DN đang bộc lộ những sơ hở: việc xác minh nhân thân với các đối tượng thành lập công ty là chưa chặt chẽ; cơ chế quản lý tiền mặt trong hệ thống ngân hàng còn lỏng lẻo, để DN rút tiền mặt quá quy định; việc quản lý hóa đơn do DN tự in còn sơ hở. Sắp tới, khi Hà Nội có mạng dùng chung để quản lý hóa đơn của các DN thì sẽ giúp việc quản lý DN chặt chẽ hơn và các vi phạm cũng sẽ giảm.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Công an cũng khẳng định: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục thuế để quản lý DN tốt hơn. Việc vi phạm liên quan đến việc thành lập các công ty giả mạo, việc bán hóa đơn giả mạo sẽ được xử lý nghiêm túc và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Trước tình hình nợ có chiều hướng gia tăng, nhất là chậm nộp, nợ tiền sử dụng đất. Mặc dù các cơ quan chức năng của Thành phố có nhiều nỗ lực trong thu hồi nợ, có các giải pháp "cứng", nhưng số nợ còn tồn đọng vẫn là trên 21.000 tỷ đồng, chiếm 15% như các đại biểu nêu, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, thời gian tới, UBND Thành phố cần có những giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ hơn, trong đó cần chú trọng và tăng cường thêm các giải pháp sau: Chỉ đạo các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn cho DN; Tập trung hơn vào phân loại nợ, từ đó có những giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể từng cấp, từng ngành nhằm giải quyết tồn đọng nợ, trước hết tập trung vào nợ có khả năng thu (19.000 tỷ đồng), công khai các DN có nợ đọng thuế, phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành có giải pháp mạnh hơn để giải quyết tình trạng DN gian lận trong sử dụng hóa đơn, trốn khỏi nơi kinh doanh...; Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương và các giải pháp của Thành phố trong thực hiện nghĩa vụ thuế tới DN, người dân và các cấp, các ngành của Thành phố.

Ông Hà Minh Hải, Cục trưởng Cục thuế cho biết, từ năm 2007, trước thời điểm khủng hoảng tài chính lan rộng, số nợ thuế là trên 2000 tỷ, chiếm 5%. Tuy nhiên, sau khi khủng hoảng lan rộng, cộng với tình hình bất động sản đóng băng, đến năm 2014, số nợ thuế tăng có khả năng lên 18.699 tỷ đồng, chiếm 17% tổng số. Tiền chậm nộp lên trên 5.275 tỷ, chiếm 28% tổng số nợ thuế. Hiện nay, tiền chậm nộp 10 tháng đầu năm 2015 là 7.092 tỷ, chiếm 36,8% tổng nợ, tăng theo cấp số cộng, gần 2000 tỷ/năm. 

Số tiền thuế từ các đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh tăng lên rất nhanh. Theo thống kê hiện nay, gần 2500 tỷ nợ thuế của đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm ngừng, tạm nghỉ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành vi lập công ty để bán hóa đơn sẽ bị xử lý và công khai trên phương tiện đại chúng