Hôm nay, ngày 6/2 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Đinh Dậu), Lễ hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh) năm 2017 chính thức khai hội, đây là một trong những lễ hội lớn có ý nghĩa tâm linh được tổ chức hàng năm.
Năm nay, do mặt bằng dưới chân núi Yên Tử đang xây dựng những công trình mở rộng thắng cảnh nên Lễ hội xuân Yên Tử được tổ chức khai lễ tại khu vực Chùa Trình (đối diện đường vào Yên Tử, QL18A, phường Đông Phương, TP Uông Bí).
Hội xuân Yên Tử năm 2017 bắt đầu từ 9 giờ, với các hoạt động chính như: Nghi thức rước lễ mở hội, gióng trống, thỉnh chuông; Lễ chúc phúc đầu năm, dâng hương, cầu quốc thái, dân an; Lễ đóng dấu thiêng Yên Tử; biểu diễn rồng lân, các tiết mục văn nghệ cùng các trò chơi dân gian... Là một quần thể danh thắng lớn trong cả nước, vào mỗi dịp đầu năm, Yên Tử luôn thu hút hàng vạn du khách đến vãn cảnh, hành hương.
Biểu diễn múa rồng trong ngày khai hội
Có hàng nghìn du khách, tăng ni, phật tử hành hương về Yên Tử
Hôm qua, 5/2 (tức ngày 9 tháng Giêng năm Đinh Dậu), Hội xuân Ngọa Vân 2017 cũng đã chính thức khai mạc tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần (xã Bình Khê, TX Đông Triều, Quảng Ninh).
Theo Ban Tổ chức, Lễ hội xuân Ngọa Vân kéo dài trong thời gian 3 tháng và sẽ trở thành lễ hội truyền thống hàng năm của địa phương, bắt đầu từ ngày 9 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, trước khai hội Yên Tử một ngày. Năm nay, hệ thống cáp treo được đầu tư nâng cấp từ 27 cabin lên 53 cabin, công suất vận chuyển từ 2.600 đến 3.500 lượt khách mỗi giờ.
Được biết, ngay trong ngày khai hội đã có khoảng gần 18.000 lượt du khách về với Ngoạ Vân. Số lượt khách về từ đầu năm đến hết ngày khai hội ước gần 40.000 lượt du khách. Tổng số lượt khách về Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều ước đạt trên 75.000 lượt khách từ đầu năm Đinh Dậu.
Chùa Ngọa Vân nằm trên núi Bảo Đài, độ cao hơn 1.000m là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn vào đêm 1/11/1308. Điểm chùa này cũng nằm trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, với phần lớn các di tích nằm tại xã An Sinh được coi là quê gốc của nhà Trần.
Lễ hội truyền thống xuân Ngọa Vân tổ chức nhằm tôn vinh, tri ân công đức của Đức vua- Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với đất nước và đạo pháp, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Ngọa Vân và Yên Tử cùng nằm trên dãy Yên Tử, thuộc cánh cung Đông Triều, du khách có thể kết hợp về tham dự lễ hội Ngoạ Vân - Yên Tử trong 2 ngày liền kề nhau. Hiện có hai con đường hành hương lên Ngọa Vân: cáp treo và đường bộ. Du khách sẽ có cơ hội đặc biệt ngắm cảnh thiên nhiên với suối chảy, thác reo, rừng trúc xanh tươi giữa không gian tĩnh mịch, thơ mộng và hùng vĩ.
Am Ngọa Vân, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn
Trước đó, ngày 4/2 (tức ngày 8 tháng Giêng năm Đinh Dậu), tại TP Uông Bí, Hội xuân Chùa Ba Vàng năm 2017 đã chính thức khai hội. Đây là một trong những lễ hội lớn được tổ chức thường niên vào ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm với nghi lễ trang nghiêm, mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam.
Ngay sau tiếng trống khai hội, các đại biểu và tăng ni, phật tử đã cùng tham dự lễ dâng hương cầu quốc thái dân an. Lễ hội xuân Chùa Ba Vàng (TP Uông Bí) sẽ diễn ra đến hết tháng Giêng âm lịch.
Khai mạc Hội xuân Chùa Ba Vàng
Chùa Ba Vàng còn có tên là Bảo Quang Tự được xây dựng năm Ất Dậu 1706, dưới triều Lê Dụ Tông. Năm 1988, chùa được trùng tu tôn tạo, đến năm 2011 chùa được đầu tư, xây dựng mới. Ngày 9/3/2014, Chùa Ba Vàng được khánh thành và đưa vào sử dụng. Hiện chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử và văn hoá nghệ thuật với những di vật được tìm thấy bằng đá, gốm sứ có niên đại từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIV.