Hàng ngàn bác sĩ, bệnh nhân "xuyên Tết" ở bệnh viện

Thảo Nguyên| 14/02/2018 13:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong suốt những ngày nghỉ Tết, các bệnh viện vẫn tổ chức khám, chữa bệnh như ngày thường. Nhiều bệnh viện đã thành lập đội lưu động, sẵn sàng lên đường tăng cường cho tuyến dưới cũng như xử lý các tình huống cấp cứu đông người.

TS Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh của Sở lên kế hoạch phân công cán bộ trực khám chữa bệnh, duy trì các đội cấp cứu ngoại viện, chuẩn bị về cơ số thuốc, trang thiết bị và vật tư, hóa chất... Theo đó, hệ thống y tế Hà Nội đã phân công gần 3.000 cán bộ y tế trực tết, trong đó có khoảng 1.700 y bác sĩ.

Tại Bệnh viện Việt Đức đã có kế hoạch điều động lực lượng bác sĩ, điều dưỡng ứng trực 24/24h từ trực chuyên môn cấp cứu, khám chữa bệnh đến trực điện, nước, hậu cần, đường dây nóng... Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Việt Đức trực 24/24h, sẵn sàng đón tiếp người bệnh, bảo đảm đủ cơ sở cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Bệnh viện cũng lên kế hoạch chuẩn bị tết cho những bệnh nhân không được về nhà.

Hàng ngàn bác sĩ, bệnh nhân

Trước thềm năm mới, các nhân viên y tế trong kíp trực ngày cuối năm vẫn tất tả lo cứu chữa, chăm sóc người bệnh

Tại Bệnh viện Bạch Mai, TS Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu A9 cho biết, những ngày giáp Tết, trong dịp Tết và ngay cả những ngày sau Tết... bao giờ cũng là những khoảng thời gian mà các bệnh viện chịu áp lực công việc nhiều nhất, đặc biệt là tại các khoa cấp cứu. Nếu không có sự thu xếp công việc hợp lý cho nhân viên y tế, tăng cường nhân lực, phối hợp tốt hơn so với những ngày thường từ các khoa phòng hoặc chuyên khoa khác, thì khoa cấp cứu rất dễ vỡ trận ở bất cứ tuyến bệnh viện nào.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng có khoảng 280 bệnh nhân phải ở lại ăn Tết, bệnh viện cũng đã lên kế hoạch để nhà ăn của bệnh viện phục vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong dịp Tết này.

Thường ngày, công việc của cán bộ nhân viên tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương vốn đã vất vả nhưng những ngày Tết còn căng thẳng và áp lực gấp bội. PGS.TS Trần Ngọc Lương - Giám đốc bệnh viện cho biết, tuy không có nhiều bệnh nhân nhập viện đột biến như các bệnh viện khác, nhưng trong dịp Tết, Ban lãnh đạo bệnh viện quán triệt chỉ đạo không được từ chối hoặc để chậm trễ các trường hợp cấp cứu khác, như tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm…

Ngoài duy trì trực khám chữa bệnh, các BV Bạch Mai, Việt Đức, Nhiệt đới… đều duy trì đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng lên đường ngay khi xảy ra tình huống cần cứu nạn khẩn cấp. Các loại thuốc, dụng cụ cấp cứu ngoại viện đều luôn ở tình trạng giám đốc bấm lệnh là xách va li lên đường.

Các bác sĩ lưu ý, với những bệnh nhân mắc các bệnh lý mãn tính cần chú ý ăn uống, thuốc men để tránh nguy cơ bị các đợt bệnh cấp. Người dân lưu ý cẩn trọng trong ăn uống, đi lại để phòng các tai nạn có thể xảy ra.

Cũng theo các bác sĩ, vào mỗi đợt cuối năm, bệnh nhân nặng được chuyển lên tuyến trên nhiều hơn. Các bệnh viện tuyến dưới lo ngại bệnh nhân nặng ở lại trong dịp Tết không yên tâm nên đã chuyển lên tuyến trên để đảm bảo sức khoẻ cho người bệnh.

Trước đó, Bộ Y tế đã có Chỉ thị yêu cầu giám đốc các BV, giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch bảo đảm công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh phục vụ người bệnh. Các đơn vị sẽ trực theo bốn cấp, gồm trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ.

"Nếu người dân phát hiện cán bộ y tế bỏ trực, hoặc gây phiền hà người bệnh, hãy gọi đến đường dây nóng của Bộ: 1900.9095, chúng tôi sẽ xử lý thông tin kịp thời”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng ngàn bác sĩ, bệnh nhân "xuyên Tết" ở bệnh viện