Hàng loạt địa phương “đàm phán” giảm giá máy xét nghiệm Covid-19

Trần Khanh - Hoàng Hà| 25/04/2020 22:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau Quảng Ninh, lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho biết, đơn bị đã đàm phán để giảm giá hợp đồng mua bán máy xét nghiệm Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19.

Liên quan đến các vụ "lùm xùm" về giá thiết bị xét nghiệm Covid-19, trao đổi thông tin với PV Báo Công lý, ngày 24/4, lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho hay, hợp đồng cung cấp thiết bị xét nghiệm Realtime được ký trước ngày 31/3, theo hình thức chỉ định thầu và đi vào hoạt động chính thức từ ngày 1/4.

Lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình khẳng định: “Hiện giá của thiết bị chỉ 5,8 tỷ đồng sau khi đã đàm phán với nhà cung cấp vào ngày 15/4, chế độ bảo hành cũng nâng lên 5 năm thay vì 1 năm. Ngoài ra, chúng tôi yêu cầu nhà thầu kèm thêm 1.300 bộ xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng. Việc đàm phán lại còn tiết kiệm được khoản tiền khá lớn, bởi chi phí bảo hành thiết bị trị giá khoảng 5% hợp đồng”.

Theo vị lãnh đạo Sở Y tế, trước khi mua sắm thiết bị phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Thái Bình cũng có hội đồng thẩm định giá do nhà cung cấp đưa ra. Hệ thống thiết bị mà Thái Bình đã mua rất hiện đại, không chỉ xét nghiệm riêng Covid-19, mà còn xét nghiệm được nhiều loại bệnh khác.

Hàng loạt địa phương “đàm phán” giảm giá máy xét nghiệm Covid-19
Hệ thống máy Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19

Ông Nguyễn Văn Thơm – Giám đốc CDC Thái Bình cho biết, hiện Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh chỉ có duy nhất một máy xét nghiệm Covid-19 hoạt động từ 1/4. Việc mua sắm thiết bị hoàn toàn do Sở Y tế Thái Bình quyết định, còn trung tâm CDC chỉ vận hành hoạt động theo chỉ đạo của cấp trên.

Tuy nhiên, theo nguồn tin PV Báo Công lý thu thập được, giá bán thiết bị xét nghiệm Realtime tại thời điểm ký hợp đồng (trước ngày 31/3) là 7,3 tỷ đồng. Nhưng sau đó, giá mua bán “bất ngờ” được đàm phán giảm thêm khoảng 2 tỷ đồng khi đã lắp đặt, vận hành sử dụng.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực y tế phân tích, nếu tính cả chi phí lắp đặt, đào tạo và bảo hành thì cũng chỉ thêm khoảng 15% tổng giá trị thực của máy. Trong khi đó, hệ thống xét nghiệm Realtime khi nhập khẩu về Việt Nam có doanh nghiệp chào giá khoảng 2,3 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí vận hành cũng không quá 3 tỷ đồng.

Cũng theo các chuyên gia, việc mua sắm máy xét nghiệm Realtime phòng chống Covid-19 tại Thái Bình bằng hình thức chỉ định nhà thầu là chưa thực sự hợp lý. Tốt nhất cần phải mua bán thông qua đấu thầu, bởi việc chỉ định thầu chắc chắn sẽ triệt tiêu sự cạnh tranh công bằng của những nhà cung cấp có chất lượng. Mặt khác, có thể biến việc mua sắm thành lợi ích nhóm gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Trước những thông tin có nhiều “khuất tất”, ông Trần Kim Hiếu (52 tuổi, ở đường Lê Quý Đôn, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cho rằng: “Thông thường, sau khi ký kết hợp đồng mua bán, đặt cọc thì nhà cung cấp mới tiến hành nhập khẩu máy móc và lắp đặt thiết bị. Vậy nhưng, hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 đưa vào sử dụng từ ngày 1/4, nhưng mãi đến tận ngày 15/4 mới đàm phán lại giá khiến nhiều người không khỏi hoài nghi”.

Còn theo anh Đỗ Vĩnh Mạnh (38 tuổi, ở đường Lê Lợi, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), cần phải đưa thông tin đấu thầu rộng rãi qua các phương tiện truyền thông. Nếu không giám sát chặt việc đầu thầu, giá thiết bị y tế có thể bị đội lên gấp vài lần giá trị ban đầu. Thực tế, đã có khá nhiều vụ thông đồng đấu thầu nhằm trục lợi tài sản của nhà nước, đến khi phát hiện sai phạm thì các bên liên quan mới “đàm phán” giảm giá sản phẩm.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng loạt địa phương “đàm phán” giảm giá máy xét nghiệm Covid-19