Mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế bệnh viện gọi điện trực tiếp với phụ huynh báo tin con đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền để đóng viện phí; giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án đe dọa chuyển tiền là hàng loạt những chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo đã xuất hiện trong thời gian qua khiến nhiều nạn nhân vẫn sập bẫy dù đã được cơ quan chức năng liên tục cảnh báo.
Nhiều phụ huynh trở thành nạn nhân
Những ngày gần đây, thông tin lừa đảo "con đang nằm viện, chuyển tiền gấp để nhập viện cấp cứu” đã lan rộng ở nhiều tỉnh thành. Mặc dù chiêu thức lừa đảo này có kịch bản tương đối giống nhau nhưng do đánh vào tâm lý hoang mang của nhiều phụ huynh khiến không ít người đã trở thành nạn nhân.
Tại TP.HCM, Công an TP.HCM cho biết đã tiếp nhận các tin báo, tố giác của nhiều người dân về việc bị một số đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức mạo danh giáo viên hoặc nhân viên bệnh viện gọi điện thoại trực tiếp đến phụ huynh để thông báo học sinh bị tai nạn, đang được nhập viện cấp cứu. Sau khi phụ huynh tin tưởng, sẽ yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản do các nghi can cung cấp để "tạm ứng thanh toán viện phí".
Còn tại Hà Nội, cơ quan công an đang thụ lý điều tra hai vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bằng hình thức gọi điện báo "con đang nằm viện, chuyển tiền gấp để nhập viện cấp cứu”, trong đó có một vụ bị hại trình báo bị lừa 200 triệu đồng.
Thủ đoạn của các đối tượng là tự xưng nhân viên y tế, giáo viên, cán bộ cơ quan chức năng để gọi điện cho bố mẹ hoặc người thân khác của học sinh thông báo học sinh bị tai nạn, cần chuyển tiền gấp để cấp cứu kịp thời.
Sau đó, đối tượng tiếp tục gọi điện cho người thân học sinh báo tin bác sỹ tại bệnh viện vừa thông báo tình trạng nguy kịch của học sinh, hối thúc người thân chuyển tiền. Tiếp theo, đối tượng đóng giả nhân viên y tế trực tiếp trao đổi với thân nhân học sinh về tình trạng sức khỏe của con em họ, gây tâm lý hoang mang, lo lắng để họ nhanh chóng chuyển tiền.
Điển hình như vụ việc mà anh L.X.H (43 tuổi, ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ). Theo đó, vào khoảng hơn 15 giờ ngày 13/3, khi đang làm việc, anh nhận được một cuộc điện thoại từ số thuê bao 0774105315, đầu dây bên kia nói: "Em là cô giáo của L.T.M., con bị tai nạn ở trường, đang vào Bệnh viện 354, gia đình vào luôn nhé." Do con gái của anh H. đúng là tên L.T.M. nên anh rất lo lắng.
Mấy phút sau, anh L.X.H. tiếp tục nhận được cuộc điện thoại thứ 2. Khi anh L.X.H. hỏi về tình hình của con, người tự xưng là cô giáo chỉ lấp lửng: "L.T.M ngã cũng nặng anh ạ. Anh cứ vào viện đi", sau đó còn đưa máy cho anh nói chuyện với bác sỹ.
Người xưng là bác sỹ nói: "Cháu ngã từ tầng 3 xuống, chảy máu tai nhiều, có thể chảy máu não, khả năng cao bị chấn thương sọ não." Anh L.X.H. kể, lúc đó còn nghe thấy cả tiếng còi cấp cứu nên mất bình tĩnh, không còn nghĩ được gì nhiều và nhanh chóng đi tới bệnh viện.
Đang đi trên đường, anh L.X.H. nhận được cuộc gọi thứ 3. "Cô giáo" nói là vì đi gấp nên không mang theo tiền, trong khi bệnh viện yêu cầu nộp tiền trước mới làm thủ tục nhập viện và phẫu thuật cho bệnh nhân được, đề nghị anh chuyển 40 triệu đồng vào tài khoản của nhân viên bệnh viện.
Anh L.X.H. dừng xe ở đường rồi chuyển khoản 40 triệu đồng vào số tài khoản mà bên kia gửi. Chuyển tiền xong, anh L.X.H. gọi về cho bố, bảo ông cầm thêm tiền vào bệnh viện, nếu có vấn đề gì còn xử lý luôn. Bố anh L.X.H. nói: "L.T.M đang ở nhà mà". Lúc này, anh L.X.H. mới biết là mình đã bị lừa.
Thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen
Theo Bộ Công an, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong nhân dân.
Trước tình hình trên, lực lượng Công an khuyến cáo người dân chủ động nâng cao cảnh giác và tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh.
Theo đó, người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em, người thân để được tư vấn.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, hành vi dùng thủ đoạn gian dối mạo danh giáo viên, nhân viên y tế, gọi điện thoại cho phụ huynh thông báo học sinh bị tai nạn yêu cầu chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi hoặc số tiền chiếm đoạt mà có thể bị xử lý hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, nếu người nào có hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên có thể sẽ bị xử lý về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bởi vậy, trường hợp thông tin gian dối về việc học sinh bị tai nạn mà khiến phụ huynh tin tưởng chuyển khoản cho các đối tượng lừa đảo với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên thì hành vi có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trường hợp hành vi đưa thông tin gian dối nhưng phụ huynh không tin, chưa chiếm đoạt được tài sản thì các đối tượng này cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đưa thông tin bị cấm trên mạng viễn thông theo Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức xử phạt từ 10-20 triệu đồng.