7 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 6,13 triệu tấn xăng dầu các loại, tổng kim ngạch 4,88 tỷ USD, tăng 12,7% về lượng, giảm 14,7% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 7 cả nước nhập khẩu 922 nghìn tấn xăng dầu các loại, giảm 11,8% so với tháng trước; tổng kim ngạch đạt 725 triệu USD, giảm 3,7%.
Tính chung trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 6,13 triệu tấn xăng dầu các loại, với tổng kim ngạch 4,88 tỷ USD, tăng 12,7% về lượng, nhưng giảm 14,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, hai mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là dầu diesel và xăng. Cụ thể, lượng dầu diesel nhập về đạt 3,35 triệu tấn, tăng 6,2%, chiếm 55% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước; xăng nhập về đạt 1,28 triệu tấn, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 21% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước.
Việt Nam nhập khẩu xăng dầu các loại chủ yếu ở các thị trường châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan…
Trong đó, lượng nhập khẩu ở Hàn Quốc Singapore và Malaysia tăng mạnh nhưng giảm ở thị trường Thái Lan.
7 tháng đầu năm, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu xăng dầu vào Việt Nam lớn nhất với 2,46 triệu tấn, tăng 13,5%.
Ngày 25/7, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã phát đi thông báo về việc sẽ tiến hành triển khai bảo dưỡng tổng thể Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn lần thứ nhất vào ngày 25/8/2023, dự kiến kéo dài 55 ngày. Đây là kế hoạch bảo dưỡng năm đã được Nghi Sơn báo cáo với Bộ Công Thương từ cuối năm 2022 để Bộ có phương án phân giao nguồn cung.
Thời gian qua, Bộ Công Thương luôn theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu trong nước và thế giới để kịp thời chỉ đạo hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng những giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Trong tháng 4 và tháng 6 năm 2023, Bộ Công Thương đã 2 lần tổ chức cuộc họp với các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong thời gian tới cũng như sơ kết 6 tháng thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Trên cơ sở kết quả thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, kế hoạch bảo trì nhà máy của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự báo nguồn cung xăng dầu trong nước trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Công Thương đã thực hiện điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 6 tháng cuối năm cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cho phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Đây là lý do nhập khẩu xăng dầu tăng lên để phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong nước, bù đắp cho phần cung thiếu hụt do Nghi Sơn tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng.