Chỉ vì một cô gái, hai nam sinh xông vào đánh nhau, kết thúc, một người tử vong, một người phải chôn chặt tuổi thanh xuân trong trại giam.
Mặc dù vậy, gia đình bị hại không một lời oán trách, bởi, họ nhận thấy sự hối lỗi, thành khẩn của chính bị cáo. Người thân bị hại không mong muốn bị cáo phải bị mức án quá nặng và tất cả chỉ là sự nông nổi của tuổi trẻ.
Bi kịch từ mối tình tay ba
Vào tháng 5/2013, Phạm Khánh Duy (SN 1993, ngụ quận 8, TP.HCM) quen biết với N.H.T.S. (SN 1997, học sinh trường THPT Lương Văn Can, quận 8). Khoảng 19h này 20/6/2013, S. nhờ Duy chở đi lấy mỹ phẩm về bán nhưng do không có hàng nên Duy đã chở S. đi chơi. Khi cả hai đi đến trước cổng trường Thái Hưng (đường Tạ Quang Bửu, quận 8) thì Duy và S. gặp Huỳnh Minh Đức (SN 1996, học sinh trường THPT Thăng Long, quận 5) là bạn trai của S. trước đó. Do phát hiện ra Duy chở bạn gái của mình nên Đức đã lấy xe đuổi theo và chặn xe Duy lại. Đồng thời Đức còn buông lời chửi Duy.
Bị cáo Duy tại Tòa
Duy tức giận nên xuống xe định đánh Đức nhưng được S. can ngăn. Sau đó, Duy chở S. về nhà Duy. Tới nơi, Duy vào nhà lấy một con dao giấu vào người và tiếp tục chở S. đi chơi. Còn Đức, sau khi cãi nhau với Duy đã rủ nhóm bạn (cũng đang là học sinh THPT, là bạn học chung hồi cấp I với Duy) tập trung tại giao lộ đường Chánh Hưng, phường 4, quận 8. Tại đây, Đức cho cả nhóm biết việc Đức mâu thuẫn với Duy và kêu cả nhóm đứng tại khu vực trên chờ Duy chở S. về ngang là ra tay đánh Duy. Khoảng 20h30 cùng ngày, Đức phát hiện Duy chở S. về nhà ngang qua đường Chánh Hưng nên hô lên “nó kìa” cho cả nhóm biết, rồi Đức chạy bộ đuổi theo Duy, còn đồng bọn của Duy chạy xe máy đuổi theo.
Duy chở S. chạy tiếp đến đầu hẻm thì dừng lại để S. đi bộ vào nhà. Còn Duy xuống xe đối mặt với Đức. Hai bên xông vào đánh nhau. Đức dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu Duy. Duy rút dao ra đâm 2 nhát vào ngực Đức làm nạn nhân ngã gục. Lúc này, nhóm của Đức chạy tới thì Duy đã ném con dao tại hiện trường và lên xe tẩu thoát.
Đức được nhóm bạn đưa đi cấp cứu ở bệnh viện quận 8 nhưng do vết thương đâm thủng tim nên Đức đã tử vong trước lúc nhập viện. Đến khoảng 2 giờ, ngày 21/6/2012, Duy đã ra đầu thú và khai nhận mọi hành vi phạm tội.
Hối hận muộn màng
Mới đây, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm. Đến phiên tòa trong chiếc áo kẻ sọc, đôi mắt ngân ngấn nước. Duy ngồi hướng mắt lên phía HĐXX nhưng không thôi quay lại nhìn người thân dường như để lấy chút dũng khí đối mặt với mức án đang treo lơ lửng trên đầu. Sau phần xét hỏi nhân thân, chủ tọa bắt đầu bước vào phần thẩm vấn.
Chủ tọa: Bị cáo và bị hại có biết nhau không?
Bị cáo Duy: Bị cáo từng nghe S. nhắc đến nhưng chưa hề gặp mặt.
Chủ tọa: Bị cáo và chị S. có mối quan hệ nào không?
Bị cáo Duy: Bị cáo quen S. từ tháng 5/2013. Bị cáo có tình cảm nhưng chưa bao giờ dám nói ra.
Chủ tọa: Giữa chị S. và anh Đức có mối quan hệ nào không?
Bị cáo Duy: Theo lời kể của S. thì hai người có tình cảm từ năm 2011. Tuy nhiên, từ đầu năm 2013, tình cảm phai nhạt dần, hai người ít khi gặp nhau và S. cũng muốn chấm dứt mối quan hệ với Đức.
Chủ tọa: Hôm xảy ra vụ án, bị cáo chở chị S. đi đâu?
Bị cáo Duy: S. nhờ bị cáo chở đi lấy mỹ phẩm về bán. Tuy nhiên, khi đến nơi, cửa hàng đóng nên S. rủ đi chơi và bị cáo đồng ý.
Chủ tọa: Bị cáo nghĩ, lần đầu gặp nhau, Đức chặn xe mình là đúng hay sai?
Bị cáo Duy: Bị cáo biết Đức và S. là người yêu. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian khá lâu, tình cảm phai nhạt, S. có ý định chia tay. Mặc dù bị cáo có tình cảm nhưng chỉ chở S. đi chơi. Đức gặp mà chặn xe là sai.
Chủ tọa: Con dao bị cáo dùng làm hung khí ở đâu mà có?
Bị cáo Duy: Bị cáo làm cá cho anh trai và bỏ vào trong túi cất giữ.
Chủ tọa: Hung khí là con dao bấm. Chẳng lẽ bị cáo lại làm cá bằng con dao này?
Bị cáo Duy: Dạ đúng.
Chủ tọa: Làm cá xong, tại sao không cất dao ở nhà mà bỏ vào túi làm gì?
Bị cáo Duy: Bị cáo cũng không nhớ nữa.
Chủ tọa: Tôi cho rằng, điều bị cáo khai chỉ là biện hộ cho hành động của mình. Theo logic, bị cáo thấy anh Đức chặn xe mình nên nghi ngờ sẽ còn gặp nhau nên cất dao vào túi làm hung khí. Điều này đúng không?
Bị cáo Duy: Dạ không đúng ạ.
Chủ tọa: Lúc chở chị S. về đến nhà, bị cáo có nhìn thấy nhóm của anh Đức không?
Bị cáo Duy: Dạ có.
Chủ tọa: Vậy tại sao bị cáo không đi đường khác để tránh nhóm anh Đức mà quay trở lại đường cũ và gây án mạng?
Bị cáo Duy: Đường vào nhà S. chỉ có một con đường quay lại duy nhất.
Chủ tọa: Vậy tại sao bị cáo không vào nhà chị S. ở lại một lát rồi về?
Bị cáo Duy: Bị cáo ngại, không dám vào. Vả lại, bị cáo cũng không nghĩ là nhóm của Đức sẽ chặn đường đánh mình.
Chủ tọa: Ai là người xông vào đánh trước?
Bị cáo Duy: Đức dùng mũ bảo hiểm đánh vào bị cáo trước.
Chủ tọa: Bị cáo đâm vào người anh Duy mấy nhát?
Bị cáo Duy: Hai nhát ạ.
Chủ tọa: Sau khi đâm anh Đức, sao bị cáo không đưa đi cấp cứu mà lại bỏ chạy?
Bị cáo Duy: Bị cáo sợ quá, không nghĩ được điều gì nữa.
Chủ tọa: Những người đi cùng nhóm với anh Đức có đánh bị cáo không?
Bị cáo Duy: Khi bị cáo đâm anh Đức xong, những người này có xông vào đánh bị cáo.
Khi được nói lời sau cùng, Duy nghẹn đắng, giọng run run: “Bị cáo biết hành vi của mình là sai trái. Bị cáo xin gửi lời xin lỗi đến gia đình bạn Đức cũng như gia đình của mình. Bị cáo mong sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật để sớm về làm lại cuộc đời, báo hiếu cũng như thắp cho bạn Duy nén nhang tạ lỗi”.
Nỗi đau khôn nguôi
Giờ nghị án, cha mẹ của Duy cầu khẩn công an viện giải cho được đến nói chuyện một lúc. Ban đầu, công an không đồng ý vì pháp luật không cho phép. Tuy nhiên, Duy quay xuống, nước mắt ngắn dài khiến các anh xúc động nên cho phép. Gặp nhau trước vành móng ngựa, cha mẹ ôm Duy trong nước mắt. Duy nói rất khẽ: “Con xin lỗi. Con biết mình sai rồi”. Cha mẹ Duy động viên: “Mọi chuyện cũng đã xảy ra, con biết lỗi là được rồi”. Duy lại khóc như một đứa trẻ. Có lẽ, những tháng ngày ở trong trại tạm giam cậu đã thấm thía mất mát, thiệt hại mình đã gây ra.
Cũng trong buổi hôm đó, điều khiến mọi người dự khán xúc động là bà nội của Duy, tuổi đã già, miệng móm mém, cố chen vào xin được gặp mặt đứa cháu. Lúc được gặp, bà cũng khóc, chỉ nói được đôi lời động viên đối với Duy. Bà nói: “Bà gần chết rồi. Bà ước gì có thể thay thế ngồi tù cho con để con ra ngoài tiếp tục đi học”. Đến lúc này, Duy chỉ biết ôm bà vào lòng và liên tục nói lời xin lỗi. Người thân của Duy cho hay, cậu là người đàng hoàng. Gia đình thuộc dạng khó khăn nhưng khi nghe tin con trai gây án, cha mẹ vội vàng vay mượn được 50 triệu đồng đưa đến phụ giúp mai táng cho gia đình bị hại.
Thấy được thực tâm của cha mẹ Duy nên gia đình bị hại cũng không buông lời trách mắng gì nhiều. Cũng chính vì điều này, gia đình Duy cảm thấy tội lỗi lớn hơn đối với gia đình bị hại. “Phía gia đình bị hại yêu cầu bao nhiêu chúng tôi đều hứa sẽ bồi thường hết. Tính mạng một con người không thể dùng tiền để mua được nhưng chúng tôi mong san sẻ nỗi đau với gia đình bị hại”, một người nói.
Trong khi đó, cha của Đức ra khỏi khán phòng nhìn vào cảnh gặp gỡ của Duy với người thân. Ông cho hay, con trai mình là người hiền lành, hiếm khi gây chuyện với ai. Con trai mất là nỗi đau lớn của cả gia đình. Ban đầu, ông giận lắm, nhưng chỉ sau một ngày Đức qua đời, cha mẹ Duy đến xin lỗi thì ông cảm thấy vơi đi phần nào. “Tôi không mong Duy bị mức án quá cao vì cháu còn quá trẻ”, ông chia sẻ.
Gây đau thương mất mát cho gia đình nạn nhân
Giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận định, hành vi của Duy là đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ vì chút xích mích mà bị cáo dùng dao đâm chết anh Đức, gây đau thương mất mát cho gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, tòa xem xét các tình tiết giảm án như đầu thú, lần đầu phạm tội, hối hận, bị hại có một phần lỗi, gia đình bị cáo đã bồi thường một phần dân sự… nên tuyên phạt Duy 12 năm tù giam về tội “Giết người”.