Đời sống

Hải Dương: Giáo viên, học sinh lãnh đủ khi trường xây dở dang

Tiến Thắng 10/12/2024 - 10:24

Giáo viên lẫn học sinh Trường THCS Quang Trung, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) phải chịu nhiều thiệt thòi khi công trình nhà 2 tầng với 8 phòng học xây từ năm 2020 đến nay vẫn chưa hoàn thành.

thieuphonghoc7.jpg
Công trình 2 tầng với 8 phòng học của Trường THCS Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương đã hoàn thiện cơ bản phần thô nhưng vẫn chưa biết bao giờ mới có thể sử dụng do xã chưa bố trí được vốn.

Công trình có kinh phí khoảng 6,5 tỷ đồng, do UBND xã Quang Trung làm chủ đầu tư, được khởi công năm 2020 với thời gian thi công dự kiến chỉ 8 tháng, nhưng đến nay vẫn lay lắt không thể đưa vào sử dụng vì xã không bố trí đủ vốn.

5 năm vẫn chưa hoàn thiện 8 phòng học!

Năm 2020, công trình nhà 2 tầng 8 phòng của Trường THCS Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương được khởi công trong niềm vui của giáo viên và học sinh nhà trường.

Tuy nhiên, nụ cười không được bao lâu thì công trình vốn có thời gian thi công hoàn thành dự kiến chỉ 8 tháng lại bị gián đoạn lay lắt cho đến tận ngày nay, một phần do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và phần chính yếu còn lại là do thiếu vốn.

thieuphonghoc4.jpg
Học sinh và giáo viên của trường vẫn đang mong ngóng từng ngày để có thể học tại phòng mới.

Nói về việc công trình phải "đắp chiếu" kéo dài, bà Đồng Thị Non Tiên – Chủ tịch UBND xã Quang Trung cho biết, công trình phòng học nói trên thi công không theo đúng tiến độ là bởi xã chưa thể bố trí được vốn do vướng mắc trong việc thu hồi đất để tổ chức bán đấu giá.

“Công trình khi triển khai dự kiến kinh phí sẽ lấy từ nguồn đấu giá đất để bù vào, nhưng khi đó dịch Covid-19 bùng phát nên bị dừng lại. Hiện nay thì lại vướng mắc những quy định đất đai mới nên xã chưa thể thu hồi, đấu giá được đất, thành ra chưa biết khi nào mới có nguồn để hoàn thiện công trình” – bà Tiên cho hay.

thieuphonghoc6.jpg
Hệ thống lan can cầu thang chưa được hoàn thiện, tiềm ẩn nguy hiểm.
thieuphonghoc5.jpg
Không ít học sinh vẫn thường sang khu vực công trình chưa hoàn thiện để chơi, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, công trình cũng không được đơn vị thi công rào chắn, cảnh báo.

Cũng theo bà Tiên, xã đã báo cáo UBND huyện Tứ Kỳ nhưng huyện cũng gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn. Trước đó, vào khoảng tháng 8/2023, huyện có hỗ trợ kinh phí khoảng 300 triệu đồng để đơn vị thi công hoàn thiện việc trát tường, nhưng sau đó lại tạm dừng cho đến nay.

Hiện công trình vẫn còn thiếu hệ thống mái chống nóng, lát nền, bục giảng; hệ thống cửa, lan can, điện, nước, phòng cháy, chữa cháy; hệ thống tiêu thoát nước, sơn hoàn thiện và các trang thiết bị cần thiết khác.

Trong lúc chờ công trình hoàn thiện, nhiều học sinh của trường vẫn phải ngồi trong những phòng học không đạt chuẩn, có những nơi vữa bục cả mảng trần, ảnh hưởng không nhỏ việc học của các em.

thieuphonghoc3.jpg
Trần và tường tại những phòng học cũ của nhà trường bị bong tróc từng mảng vữa gây mất mỹ quan, không đảm bảo an toàn.

Anh Nguyễn Văn Ngọc (trú tại xã Quang Trung) có con theo học từ lớp 6 khi vừa triển khai xây dựng phòng học mới tại trường, nhưng đến nay cháu đã sắp ra trường nhưng công trình vẫn chưa làm xong.

"Không chỉ riêng tôi mà hầu hết phụ huynh đều rất bức xúc và lo lắng khi con em phải học trong lớp học xuống cấp, chật hẹp” - anh Ngọc nói.

Giáo viên phải nghỉ giải lao ở… gầm cầu thang

Có mặt tại Trường THCS Quang Trung trong ngày đông gió rét, chúng tôi cũng thấy “chạnh lòng” khi chứng kiến cảnh một nhóm giáo viên của trường ngồi nghỉ giải lao giữa giờ bên dưới… gầm cầu thang của nhà trường.

“Vì phòng chức năng được tận dụng để chuyển thành phòng học cho học sinh, nên chúng tôi cũng tận dụng gầm cầu thang này để ngồi chờ các em vào lớp, lâu rồi thì cũng thành quen” - một cô giáo ở đây chia sẻ.

thieuphonghoc.jpg
Giáo viên của trường phải tận dụng gầm cầu thang để làm nơi nghỉ giải lao trong lúc chờ học sinh vào lớp.

Thầy giáo Trần Văn Vuông - hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung cho biết, những thiệt thòi của giáo viên chỉ là một trong nhiều khó khăn mà trường đang gặp phải.

Hiện nay, trường có gần 660 học sinh, tăng thêm một lớp so với năm học trước và tăng ba lớp so với năm 2020. So với yêu cầu thì trường còn thiếu 6 phòng học và 5 phòng bộ môn.

Để “khắc phục” khó khăn trong lúc chờ phòng học mới, trường phải tận dụng một số phòng chức năng để làm phòng học cho học sinh như: thư viện, phòng nghe nhìn, phòng Đoàn Đội, phòng thiết bị, phòng y tế… và ngay cả phòng họp hội đồng trường cũng trở thành phòng học cho học sinh. Mỗi khi trường muốn họp thì phải chờ học sinh học xong mới có phòng.

thieuphonghoc2.jpg
Phòng hội đồng của nhà trường và nhiều phòng chức năng khác cũng được tận dụng, "nhường" lại cho học sinh để làm nơi học.

Đáng nói, có 3 phòng học tạm cho học sinh hiện đã xuống cấp, trong đó có một phòng kiểu nhà cấp 4. Trần nhà, tường lớp học nhiều chỗ bị bong tróc vữa, nấm mốc do thấm dột và diện tích phòng nhỏ nên học sinh phải ngồi chật chội vào nhau. Không ít lần, vữa trên trần nhà rơi xuống trong tiết học khiến giáo viên, học sinh bất an.

Theo thầy Vuông, năm 2018, tập thể thầy cô giáo và học sinh vui mừng khi trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Nhiều năm liền chất lượng giáo dục nhà trường vươn lên tốp đầu huyện và năm học 2019-2020, trường vinh dự được nhận cờ thi đua xuất sắc của tỉnh.

Tuy nhiên, từ năm 2023 thì danh hiệu trường đạt chuẩn bị mất chỉ vì không đủ điều kiện công nhận lại, do trường bị thiếu phòng học, phòng bộ môn...

thieuphonghoc8.jpg
Nhiều phòng học có diện tích chỉ khoảng 40m2 nên học sinh phải ngồi trong không gian chật chội.

Sau đợt bão số 3 vừa qua, phía trước cửa phòng học và phòng làm việc của hiệu trưởng cây đổ làm vỡ một mảng tường lớn, nhưng trường không sửa chữa vì vẫn “ngóng chờ” ngày chuyển sang phòng học mới.

“Trước mắt, trường sẽ phải chia học sinh thành hai ca sáng và chiều. Dù việc bố trí này sẽ làm ảnh hưởng tới việc dạy và học cũng như bồi dưỡng, phụ đạo, hoạt động trải nghiệm của học sinh... nhưng chúng tôi cũng không còn cách nào khác” - thầy Vuông ngậm ngùi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Giáo viên, học sinh lãnh đủ khi trường xây dở dang