Chiều nay (3/1), phiên tòa xét xử sơ thẩm với hai bị cáo nguyên là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và các đồng phạm trong vụ án thâu tóm nhà đất công sản ở TP Đà Nẵng tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi.
Trong phần xét hỏi chiều nay, trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Văn Hữu Chiến, cựu chủ tịch UBND Đà Nẵng khẳng định "tuyệt đối không nhận bất cứ lợi ích vật chất" gì khi ký các văn bản giúp Vũ "nhôm" thâu tóm 21 nhà, đất công ở Đà Nẵng, gây thiệt hại cho nhà nước 22.000 tỷ đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Bị cáo Chiến cho biết, từ năm 2006 -2011, bị cáo giữ chức Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng; từ 2011 đến năm 2014 làm chủ tịch. Thời kỳ giữ chức Phó Chủ tịch, mọi chủ trương về chuyển nhượng, mua bán nhà đất công sản do Chủ tịch Trần Văn Minh quyết định.
Trước lời khai này, vị chủ tọa công bố nhiều văn bản do UBND Đà Nẵng ban hành trong đó có quy định giảm 10% tiền sử dụng đất khi chuyển nhượng cho doanh nghiệp. Trước sự công bố nội dung này, bị cáo Chiến xác nhận đúng và khai do Chủ tịch Minh ký ban hành. Áp dụng trong thời gian dài, bị cáo thấy quy định này "hiệu quả". Sau này, khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra điều đó là trái quy định, bị cáo mới biết "đã sai".
Trong dự án chuyển nhượng dự án 29 ha ở Khu Đô thị Đa Phước, bị cáo Chiến không tham gia từ đầu song ký ban hành văn bản 5870 về việc thu hồi đất và giao toàn bộ cho Công ty Cổ phần Xây dựng 79 của Vũ “nhôm”.
Bị cáo Chiến khai làm vậy theo thoả thuận nguyên tắc giữa uỷ ban thành phố với tập đoàn Daewon Hàn Quốc. Trả lời câu hỏi hỏi thoả thuận nguyên tắc có phải văn bản quyết định nhà nước giao đất cho thuê quyền sử dụng đất không?, bị cáo này đáp: "Khi đó nghĩ là hợp đồng giao đất".
Chủ tọa hỏi tiếp: "Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định văn bản đó không phải là quyết định nhà nước giao đất, quyền sử dụng đất. Bị cáo có biết việc này không?". Bị cáo Chiến đáp, tất cả các cơ quan đều tham mưu thế, bị cáo chỉ là một khâu trong chu trình.
"Trước khi ký có phải kiểm tra lại xem đúng quy định không?", trả lời câu hỏi này của chủ tọa, bị cáo Chiến cho hay thời kỳ đó thấy toàn bộ đúng quy trình, thủ tục pháp luật.
Bị cáo Văn Hữu Chiến tại phiên tòa xét xử
Giải thích lý do Công ty 79 được nhận đất mà không qua đấu giá, bị cáo Chiến mong tòa xem xét trong bối cảnh lịch sử của Đà Nẵng lúc đó. Khi ký thoả thuận nguyên tắc, dự án 29 ha chỉ là mặt hồ nước xả, được thành phố giao cho doanh nghiệp.
Bị cáo Chiến khai không quan hệ thân thiết với Vũ "nhôm", chỉ biết đây là chủ doanh nghiệp, cũng không biết ông ta đứng sau nhiều vụ chuyển nhượng ngầm đất công sản tại Đà Nẵng.
Bị cáo Chiến khẳng định "không nhận được lợi ích vật chất gì khi ký các văn bản" tại những dự án liên quan Vũ "nhôm" và càng không biết bị cáo này thân thiết với lãnh đạo nào của Đà Nẵng.
Với các quyết định bán 22 nhà, đất công sản khác, bị cáo Chiến khai chỉ ký các văn bản sau khi có quyết định của Chủ tịch Minh. Bị cáo Chiến nói: "Tôi tin tưởng quyết định của Chủ tịch, tin tưởng cơ quan giúp việc chuyên môn. Việc tôi ký chỉ là một khâu quy trình. Khi ký, tôi không chịu sự chỉ đạo của bất kỳ ai".
Nói về dự án nhà ở 16 Bạch Đằng, bị cáo Chiến khai căn cứ Luật Đất đai thì việc chuyển nhượng lô đất công này là không đúng, nhưng có văn bản của Bộ Công an đề nghị chuyển cho Công ty 79 để phát triển ngành.
Vị chủ tọa tiếp tục thẩm vấn: "Văn bản này của Bộ Công an có bắt buộc phải chuyển nhượng không?". Bị cáo Chiến cho rằng về hình thức "Bộ Công an đề nghị, mong được giải quyết", song địa phương thấy trách nhiệm phải hỗ trợ. Đà Nẵng gắn trách nhiệm quốc gia lên trên hết nên đồng ý, hơn nữa cũng thể hiện "sự quan tâm của địa phương với lực lượng công an". Bị cáo Chiến viện dẫn Điều 13 Luật Công an nhân dân với quy định các tổ chức sống trên lãnh thổ Việt Nam phải giúp đỡ lực lượng an ninh hoàn thành nhiệm vụ.
Trước câu hỏi "việc giúp đỡ đó có đúng quy định pháp luật không", bị cáo Chiến cho hay thời điểm đó tình hình biển Đông phức tạp, người nước ngoài đến Đà Nẵng đạt con số kỷ lục. Trên cơ sở đó, bị cáo xin ý kiến của Bí thư Thành uỷ. "Thống nhất, cân nhắc nhiều thứ, sau đó Đà Nẵng quyết cho thuê đất 50 năm để ủng hộ công an".
Trong vụ án này, bị cáo ý thức làm vì sự phát triển chung của thành phố. Chủ tọa ngắt lời, nói: "Bị cáo có biết Vũ sau khi nhận được dự án đã chuyển cho các cá nhân khác lãi gấp 2-3 không?". Cựu chủ tịch Đà Nẵng trả lời "không biết".
Bị cáo Trần Văn Minh tại phiên tòa xét xử
Cáo trạng xác định, trong thời gian giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2006 -2011), thực hiện chỉ đạo của bị cáo Trần Văn Minh, bị cáo Chiến đã ký ban hành các Quyết định cho phép chuyển nhượng và phê duyệt giá chuyển nhượng các nhà, đất công sản và dự án bất động sản trái quy định của pháp luật. Bị cáo Chiến bị coi là đồng phạm giúp sức cho bị cáo Minh thực hiện hành vi phạm tội.
Giai đoạn là Phó Chủ tịch Đà Nẵng, bị cáo Chiến liên quan trực tiếp đến 19 nhà, đất công sản bao gồm: 2 Hải Phòng, 37 Pasteur, 39 Pasteur, 106 Trần Phú, 7 Bạch Đằng, 20 Bạch Đằng, 36 Bạch Đằng, 38 Bạch Đằng, 38 Bạch Đằng mở rộng, 86 Bạch Đằng, 100 Bạch Đằng, 158 Bạch Đằng, 45 Nguyễn Thái Học, 47 Nguyễn Thái Học, 73 Nguyễn Thái Học, 17 Lê Duẩn, 57 Lê Duẩn, 319 Lê Duẩn, 22 Cô Giang, 34 Hoàng Văn Thụ.
Trong giai đoạn làm Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (năm 2011-2014), bị cáo Chiến liên quan đến 2 nhà, đất công sản gồm, 121 Phan Châu Trinh và 16 Bạch Đằng. Trong vụ án này, bị cáo Chiến bị xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo Khoản 3, Điều 219 BLHS năm 2015 và tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, theo quy định tại Khoản 3 Điều 229 BLHS năm 2015.
Cũng trong phần xét hỏi, trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, khi làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, bị cáo ký ban hành các văn bản xoay quanh nội dung giảm 10% tiền sử dụng đất, cho phép chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất.
Các văn bản bị cáo ban hành là đúng với quy định. Sau này, quyết định 140 của CP đã sửa đổi quyết định 09 năm 2007 cho phép những đơn vị đang thuê được bán chỉ định. Người ký quyết định cuối cùng là bị cáo, ra chủ trương chuyển nhượng dự án trên địa bàn thành phố. Khi đó, bị cáo chỉ kế thừa từ đời Chủ tịch trước.
Bị cáo Vũ "nhôm" tại phiên tòa xét xử
Bị cáo Minh cũng cho biết thêm, với 7 dự án bị cáo bị quy kết: Bị cáo là người ký các quyết định theo đúng quy định của pháp luật. Việc áp giá của năm 2007 cho năm 2009, theo bị cáo đó là giá cụ thể bởi thị trường bất động sản đóng băng và giá đó là có lợi. Với đặc thù của Công ty bình phong, theo Công văn của Bộ Công an, bị cáo nghĩ đó là công văn phải bắt buộc phải thực hiện. Biết Vũ là doanh nghiệp như những doanh nghiệp khác, được Bộ Công an giới thiệu Vũ là tình báo nên đề nghị tạo điều kiện cho tình báo viên hoạt động.
Với suy nghĩ của bị cáo, bị cáo vẫn làm đúng theo pháp luật, giá đất được áp dụng sòng phẳng trong Luật đất đai đối với những công ty và người thân của Vũ trong việc mua, chuyển nhượng quyền sử dụng đất... Do đó, bị cáo thấy không sai, nên khi có kết luận điều tra, bị cáo đã có đơn trình bày ngay những nỗi niềm trong vụ án này. Bị cáo chưa bao giờ nhận sai phạm trong việc giải quyết nhà công sản.