Hạ viện Mỹ ngày 18/5 đã thông qua dự luật có tên “Hành động ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố nội địa 2022” (DTPA) nhằm đương đầu với chủ nghĩa khủng bố ở trong nước, The Hill đưa tin.
Theo đó, dự luật nói trên được thông qua với 222 phiếu thuận và 203 phiếu chống. Tuy nhiên, dự luật cần phải được Thượng viện Mỹ thông qua, trước khi trình Tổng thống Joe Biden ký ban hành.
Dự luật được thông chỉ vài ngày sau vụ xả súng điên cuồng của một đối tượng có tư tưởng da trắng thượng đẳng tại thành phố Buffalo, New York, làm hơn 10 người thiệt mạng.
Dự luật đặc biệt kêu gọi thành lập các đơn vị chống khủng bố trong nước trực thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS), Bộ Tư pháp (DOJ), Cục Điều tra Liên bang và FBI, với nhiệm vụ giám sát và xem xét các hoạt động khủng bố tiềm ẩn. Đồng thời, theo dự luật sẽ thiết lập một lực lượng đặc nhiệm liên ngành để phân tích và ngăn chặn sự xâm nhập của các đối tượng có tư tưởng da trắng thượng đẳng vào quân đội và các lực lượng thực thi pháp luật liên bang.
Dự luật cũng khuyến khích việc thành lập đơn vị chống khủng bố trong nước trực thuộc đơn vị chống khủng bố của FBI, với nhiệm vụ sẽ điều tra các hoạt động liên quan đến khủng bố trong nước.
The Hill cho biết, trước khi cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện diễn ra, Đảng Cộng hòa đã bày tỏ sự quan ngại về khả năng của dự luật nhắm vào những cá nhân có đức tin có thể không liên quan đến khủng bố trong nước. Các nhà lập pháp Mỹ bày tỏ lo ngại về trọng tâm của dự luật nhằm vào chủ nghĩa khủng bố nội địa theo chủ nghĩa thượng đẳng da trắng.
Liên quan đến dự luật, chính quyền Tổng thống Biden ngày 18/5 đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ việc thông qua dự luật DTPA và các nỗ lực khác để đương đầu khủng bố trong nước ở Mỹ. Nhà Trắng bày tỏ họ mong muốn làm việc với Quốc hội để triển khai dự luật này.
Bạo lực súng đạn được xem là vấn nạn xã hội chưa được giải quyết tại Mỹ. Thống kê cho thấy trong năm 2020, trên toàn nước Mỹ đã xảy ra 19.350 vụ xả súng gây thương vong, tăng 35% so với năm 2019.
Ngày 14/5 vừa qua, Payton Gendron, một thanh niên da trắng 18 tuổi, đã xả súng vào những người có mặt tại một cửa hàng tạp hóa trong khu dân cư chủ yếu là người da màu sinh sống tại Buffalo, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 3 người bị thương. Vụ việc gây rúng động nước Mỹ; trong số 13 nạn nhân có 11 người là người Mỹ gốc Phi.
Đối tượng sử dụng súng trường, mang máy quay và mặc trang phục kiểu quân đội cùng áo giáp toàn thân. Hung thủ đã phát trực tiếp vụ xả súng trên nền tảng Twitch trước khi nền tảng này gỡ bỏ nội dung vi phạm 2 phút sau đó. Tuy nhiên, Thống đốc bang New York Kathy Hochul cho rằng Twitch đáng lẽ phải gỡ video bạo lực này chỉ trong vài giây.
Truyền thông địa phương đưa tin hung thủ liên quan đến một tài liệu tuyên truyền tư tưởng da trắng thượng đẳng và lên kế hoạch tấn công một khu dân cư chủ yếu là người da màu. Gendron bị đưa ra tòa ngày 14/5 với tội danh giết người cấp độ một.
Ngày 17/5, trong chuyến thăm thành phố Buffalo để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng đẫm máu mới đây tại thành phố này, Tổng thống Biden đã lên án tư tưởng "da trắng thượng đẳng" cũng như các phương tiện truyền thông, internet và những quan điểm chính trị truyền bá các thuyết phân biệt chủng tộc. Tổng thống Biden khẳng định "tư tưởng da trắng thượng đẳng không có chỗ đứng tại Mỹ".
Ngày 18/5, Tổng chưởng lý bang New York của Mỹ, bà Letitia James cho biết chính quyền bang New York đã mở cuộc điều tra đối với một số nền tảng xã hội mà đối tượng Payton Gendron đã sử dụng để lên kế hoạch, tuyên truyền và phát trực tiếp (livestream) vụ xả súng.
Bà James cho biết cuộc điều tra sẽ tập trung vào Twitch, dịch vụ phát video trực tiếp thuộc sở hữu của Amazon.com, trang tin nhắn Discord, 4chan, 8chan và một số nền tảng khác mà tay súng sử dụng để lan truyền vụ tấn công.
Theo bà, vụ tấn công này một lần nữa đã cho thấy mức độ nguy hiểm của những nền tảng trực tuyến khi góp phần lan truyền và kích động thù ghét mà không phải chịu hậu quả.