Giao thông

Hà Nội triển khai cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị

Hoàng Hồng 27/05/2025 - 16:43

UBND thành phố vừa ban hành Quyết định số 2613/QĐ-UBND để triển khai thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt nhằm phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị.

duong-sat-do-thi.jpg
Đường sắt đô thị

Theo quyết định, kế hoạch được ban hành với mục tiêu là tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có hiệu quả các Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 188, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các chủ thể tham gia dự án cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần tập trung thời gian, trí tuệ, bố trí, sắp xếp nguồn lực về nhân sự và vật tư để chủ động tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của Thủ đô.

UBND thành phố Hà Nội phân công rõ nhiệm vụ và tiến độ cụ thể cho các sở, ngành, UBND quận, huyện, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và các đơn vị liên quan nhằm chủ động tổ chức thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bảo đảm tiến độ chung của toàn dự án, chất lượng, đúng mục tiêu; đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Trường hợp cần thiết, các đơn vị có thể đề xuất xây dựng các văn bản, quy trình hướng dẫn nội bộ liên quan đến thẩm quyền của UBND thành phố, chẳng hạn như quy định phát triển khoa học - công nghệ đường sắt; quy định chi tiết về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

Kế hoạch cũng đề cập đến việc ban hành quy định nội dung và yêu cầu về khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED) thay thế cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi và các bước thiết kế triển khai sau đó. Đồng thời hướng dẫn về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo thiết kế FEED; quy định rõ nghĩa vụ, quyền hạn của các bên trong hợp đồng EPC (chủ đầu tư, nhà thầu/tổng thầu EPC, tư vấn giám sát...).

Bên cạnh đó, sẽ có quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ, hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, sản phẩm công nghiệp đường sắt; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ... Hà Nội sẽ xây dựng khung quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các dự án đường sắt đô thị.

UBND thành phố Hà Nội cũng giao các đơn vị liên quan rà soát tình hình sở hữu, sử dụng đất dọc hành lang các tuyến đường sắt; tổng hợp danh mục quỹ đất có tiềm năng phát triển theo định hướng TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng), làm cơ sở để tối ưu hóa phương án tuyến, vị trí công trình và quy hoạch các khu vực TOD theo các tuyến được phê duyệt.

Song song với đó, thành phố Hà Nội sẽ cập nhật định hướng quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị và khu vực TOD vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô và các quy hoạch khác có liên quan.

UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống điện nhằm bảo đảm đủ nguồn cung phục vụ các dự án đường sắt đô thị, đặc biệt là các dự án triển khai theo mô hình TOD.
Các cơ quan chức năng sẽ tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án tuyến, vị trí công trình theo tuyến và quy hoạch khu vực TOD theo từng giai đoạn cụ thể.

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành đoạn ngầm và đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội trong năm 2027.

Dự kiến trong tháng 10.2025, sẽ khởi công hai dự án lớn: Tuyến đường sắt đô thị tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) và Tuyến đường sắt đô thị tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc).

Ngoài ra, các dự án: Tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn ga Hà Nội - Yên Sở), Tuyến số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình), đoạn Nam Thăng Long - Nội Bài và Tuyến 2A kéo dài đến Xuân Mai sẽ được triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030. Các giai đoạn tiếp theo từ 2031 - 2035 và 2036 - 2045 sẽ tiếp tục được thực hiện theo lộ trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội triển khai cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị