Ngày 24/3, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn thành phố.
Cuộc thi được tổ chức nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân về ý nghĩa của việc triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) đến các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và người dân hiểu. Qua đó, nhận thức rõ mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, ứng dụng VNeID... trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng với đó, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến; từ đó tạo đồng thuận để người dân tích cực tham gia, sử dụng ứng dụng VNelD, dịch vụ công trực tuyến trong các giao dịch hằng ngày. Nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật về định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến của cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
Cuộc thi cũng nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Việt Nam (9/11) trên địa bàn Hà Nội.
Đối tượng dự thi là công dân Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, hiện đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố.
Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức thi trực tuyến trên môi trường mạng internet. Người dự thi trả lời các câu hỏi được thiết kế sẵn trên máy vi tính, hoặc các thiết bị điện tử khác có kết nối internet tại website cuộc thi.
Nội dung thi gồm các câu hỏi liên quan đến Đề án 06 quy định của pháp luật về định danh điện tử theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 95/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử và dịch vụ công trực tuyến.
Trong quý I/2023, xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức cuộc thi đến các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã. Thành lập Ban tổ chức, Tổ giúp việc cuộc thi, thành lập Hội đồng ra đề thi.
Quý II, III/2023, xây dựng Thể lệ, câu hỏi cuộc thi; xây dựng website cuộc thi. Tuyên truyền, phổ biến thông tin về cuộc thi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, sinh viên, học sinh, nhân dân và người nước ngoài đang cư trú, hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Quý IV/2023, tổng kết và trao giải cuộc thi IV; trong đó, giải cá nhân (gồm 2 giải nhất, 4 giải nhì, 20 giải ba và 20 giải khuyến khích); Giải tập thể (gồm 2 giải nhất, 4 giải nhì, 10 giải ba).
UBND thành phố giao Sở Tư pháp là cơ quan thường trực của Ban tổ chức cuộc thi, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố liên quan tham mưu UBND thành phố xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện; quyết định thành lập Ban tổ chức cuộc thi…
Công an TP. Hà Nội đồng chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp xây dựng đề thi và đáp án cuộc thi; tổ chức cuộc thi tại cơ quan, đơn vị mình; tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị mình tham gia cuộc thi…