Hiện miền Bắc đang trong giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết, nhất là thời tiết mưa nhiều, muỗi truyền bệnh phát triển, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng nhanh.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 308 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 22 ổ dịch mới, không có trường hợp nào tử vong. Cộng dồn năm 2022, Hà Nội ghi nhận 1.342 ca mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong, tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021.
Theo đó, bệnh nhân ghi nhận tại 27 quận/huyện, 144 xã/phường/thị trấn, trong đó bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như Đống Đa (36), Thường Tín (33), Thanh Trì (32), Thanh Oai (28), Phú Xuyên (19), Hoàng Mai (18), Ba Đình (15).
Các bệnh viện những ngày qua cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị gần 30 ca sốt xuất huyết, tăng hơn so với đầu tháng 8, trong đó gần 10 ca nặng.
TS Thân Mạnh Hùng - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, mới đây, trường hợp nữ bệnh nhân 38 tuổi, khi vào viện đã là ngày thứ 4 của bệnh, rất nặng, suy hô hấp, phải đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu. Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân có tiến triển, qua giai đoạn nguy hiểm, sức khỏe tương đối ổn định, đang dần được dừng thở máy, cai thuốc an thần.
Trước đó, bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, đau đầu, tự điều trị tại nhà nhưng bệnh không giảm. Vào khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã trong tình trạng khó thở, thiếu máu, phổi tổn thương, tiểu cầu giảm, rối loạn đông máu nặng, suy thận…
Thời gian qua, tại bệnh viện đã có 4 trường hợp tử vong, nguyên nhân chính là do bệnh nhân chủ quan, vào viện muộn trong tình trạng suy gan, suy thận, có bệnh nhân nôn ra máu, chảy máu rất nhiều, xuất huyết trong cơ, xuất huyết tiêu hóa…
CDC Hà Nội nhận định trong tuần số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao so với tuần trước. Dự báo số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, kết quả giám sát tại nhiều điểm có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng.
Theo đó, chỉ số BI là số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi trong 100 nhà dân được điều tra. Nếu chỉ số này từ 30 trở lên tức là nguy cơ có dịch bệnh sốt xuất huyết.
Tại khu vực miền Bắc, chỉ số BI là từ 20 trở lên. Hiện CDC sử dụng chỉ số bọ gậy để đánh giá mức độ nguy cơ các vùng có thể bùng phát và trở thành ổ dịch sốt xuất huyết.
Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm giám sát huyết thanh và vi rút Dengue.
Tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng và các bệnh viện được phân cấp để kịp thời nắm bắt tình hình dịch, phát hiện sớm, điều tra xử lý ca bệnh.
Tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ. Triển khai ngay các chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy tại các khu vực có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ, trong đó cần huy động sự tham gia của các ban ngành đoàn thể. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống bệnh sốt xuất huyết để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ngay tại hộ gia đình.
Theo BS Thân Mạnh Hùng, trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay, có một số người dễ nhầm lẫn giữa cúm và sốt xuất huyết hay sốt xuất huyết với Covid-19 mà chủ quan với các biến chứng của sốt xuất huyết, khi vào viện đã trong tình trạng nguy kịch.
“Thời điểm này, nếu người dân khi có bất kỳ triệu chứng như sốt, ho, đau mỏi người thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán. Khi xác định được căn nguyên gây sốt, các bác sĩ, nhân viên y tế sẽ đưa ra những khuyến cáo, thông tin, dấu hiệu cần phải theo dõi khi điều trị tại nhà.
Với những trường hợp nặng cần phải nhập viện hoặc có dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ nhập viện để được theo dõi chặt chẽ hơn, tránh những trường hợp đáng tiếc”, BS Thân Mạnh Hùng khuyến cáo.