Hà Nội quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh

Bảo Anh| 07/06/2016 13:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định và cam kết sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp để tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện...

Phát triển chưa tương xứng

Từ đầu năm đến 31/5/2016, Hà Nội thu hút thêm 1,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, tăng 3 lần so với cùng kỳ, gấp 1,5 lần so với năm 2015. Số dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước (68 dự án) với số vốn tăng 2,44 lần (70.421 tỷ đồng).

Số vốn thu hút theo hình thức PPP tăng 4,2 lần so với giai đoạn 2011-2015. Số vốn của doanh nghiệp dân doanh đăng ký mới tăng 59% so với cùng kỳ năm trước, đạt 74,63 nghìn tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 9.367 doanh nghiệp, tăng 23%.Thu ngân sách trên địa bàn 5 tháng đầu năm đã đạt hơn 50% dự toán.

Hà Nội quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh

Hà Nội hướng đến mục tiêu là địa điểm đầu tư an toàn và thành công của các nhà kinh doanh

Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với vị thế của thủ đô. Bản thân cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông  Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, Hà Nội đang còn nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp như thuế (45%), bảo hiểm xã hội (42%), đất đai (36%). Riêng với lĩnh vực đất đai, trong số 19% doanh nghiệp có thực hiện thủ tục hành chính đất đai trong 2 năm gần nhất, có tới 49% cho biết gặp khó khăn trong thực hiện vấn đề này.

Theo ông Lộc, khó khăn chính hiện nay là thời gian giải quyết không đúng thời hạn văn bản quy định hoặc niêm yết (51%), có chi trả chi phí không chính thức (44)% và cán bộ hướng dẫn không đầy đủ, chi tiết (38%). Đối với doanh nghiệp muốn mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh, khó khăn lớn nhất vẫn là lo ngại thủ tục hành chính phức tạp (46%), giải phóng mặt bằng chậm (22%) và quy hoạch đất đai chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (21%).

Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội nhấn mạnh: “Nói đến Hà Nội, người ta thường có câu Hà Nội không vội được đâu. Nhưng đến nay, tôi cho rằng phải chuyển thành câu Hà Nội phải vội rồi. Đây chính là sự thay đổi rõ nét hàng ngày, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư”.

Ông Hiển cho rằng số lượng doanh nghiệp đăng ký mới thành lập và bổ sung đăng ký kinh doanh đang tăng lên hàng ngày. Tuy nhiên, công tác đăng ký đang còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù, khâu đăng ký kinh doanh tại Sở kế hoạch đầu tư giảm từ 7 ngày xuống còn 3 ngày tuy nhiên hồ sơ yêu cầu lại tăng lên nhiều hơn.

Theo kế hoạch, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020: 8,5-9,0%.GRDP bình quân/người: 6.700-6.800 USD. Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020: khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng.

Đánh giá về triển vọng và vị thế của Hà Nội trong tương lai, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Hà Nội sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và người nước, khai thác và đầu tư cùng phát triển. Bộ sẽ cam kết giữ vững ngọn lửa đổi mới, tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo, đồng thời cùng các bộ, ngành với Hà Nội để xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cũng như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư để phù hợp sự phát triển của Hà Nội.

Những giải pháp quyết liệt

Để Hà Nội phát triển mạnh mẽ, đúng hướng hơn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước. Theo Thủ tướng, chính quyền thành phố phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội thay vì phải thành lập ở nước ngoài để thoát khỏi gánh nặng thủ tục hành chính.

Đánh giá vai trò của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, Hà Nội quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo động lực quan trọng để thúc đẩy thu hút nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển và hiện thực hóa các cơ hội trong hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, Chính quyền Thành phố sẽ làm tốt vai trò kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Ngay sau Hội nghị này, Thành phố sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ Doanh nghiệp khởi nghiệp. Thành phố sẽ ban hành chương trình để thúc đẩy khởi nghiệp, chuyển các hoạt động phi chính thức sang chính thức trên diện rộng bằng các việc làm rất cụ thể như: hỗ trợ, làm thủ tục từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo để từ chủ hộ kinh doanh thành chủ các doanh nghiệp; Hỗ trợ tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, đất đai.

“Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Thành phố sẽ quyết tâm đổi mới để cả bộ máy hành chính sẽ cải cách theo hướng: “Xác định người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ”, ông Chung khẳng định.

Các giải pháp được thực hiện ngay trong năm nay được lãnh đạo TP Hà Nội chia sẻ, từ tháng 6/2016, các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được giải quyết trong 02 ngày làm việc (giảm 1 ngày so với quy định) đối với quá trình giao dịch trên mạng. Thực hiện liên thông cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cắt giảm đến 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư.

Hà Nội duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đạt 100%, nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 100%. Giảm 20% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giảm 50% trong lĩnh vực quy hoạch. Rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng xuống còn 21 đến 26 ngày, giảm từ 10 đến 15 ngày so với quy định.

Hà Nội kêu gọi vào 3 lĩnh vực chính: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đáp ứng yêu cầu phát triển tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh. Đầu tư trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đầu tư trong các ngành, lĩnh vực để nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp hướng tới dịch vụ chất lượng cao theo tiêu chuẩn của khu vực ASEAN và quốc tế. Bên cạnh đó, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và giữ gìn bản sắc nghìn năm văn hiến.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh