11 bệnh nhân đã phải vào Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai với tình trạng đau đầu, hôn mê, trong đó 1 người đã tử vong. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tiến hành kiểm tra phát hiện 2 mẫu rượu có methanol gấp 900 - 2000 lần cho phép.
Tại cuộc họp khẩn Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) về phòng chống ngộ độc rượu methanol chiều 7/3, Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhiều trường hợp ngộ độc rượu phải nhập viện, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và các quận, huyện đã tiến hành kiểm tra 225 cơ sở kinh doanh rượu, lấy 25 mẫu xét nghiệm tại labo, xét nghiệm nhanh 3 mẫu.
Qua kiểm tra, Hà Nội phát hiện mẫu rượu có nồng độ methanol vượt ngưỡng 2.000 lần.
Các mẫu rượu được lấy để đi xét nghiệm gồm rượu trắng, rượu nếp, trắng pha cẩm, rượu ngâm chuối hạt, nếp cái hoa vàng… tại các quận Ba Đình, Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thường Tín… Kết quả đã phát hiện 2 mẫu có chứa hàm lượng methanol gấp từ 900-2.000 lần mức cho phép (100mg/L). Đó là mẫu rượu được lấy từ 2 chai rượu trắng pha cẩm ở hàng cơm V.T, số 95 khu giãn dân phường Mộ Lao, Hà Đông cho kết quả 202.475mg/L và 1 mẫu rượu được lấy từ rượu ngâm ở gia đình ông Nguyễn Đình Ch. địa chỉ số 59, tổ 24, phường Khương Đình, Thanh Xuân, có nồng độ là 89.680mg/L.
Trước đó, từ ngày 22/2 đến 7/3, Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai ghi nhận 11 bệnh nhân nam từ 40-54 tuổi, địa chỉ cư trú tại 5 quận huyện của Hà Nội gồm Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Phúc Thọ, Ba Đình... bị ngộ độc rượu nhập viện với các triệu chứng người mệt mỏi, đau đầu, hôn mê, xét nghiệm methanol trong máu cao, từ hơn 40 – 318mg/dL, chẩn đoán ngộ độc methanol, trong đó đã có bệnh nhân ở Phúc Thọ (Hà Nội) tử vong.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, các trường hợp ngộ độc methanol rất nặng, những người bị ngộ độc có địa chỉ cư trú xa nhau, không uống rượu cùng một địa điểm, nghĩ nhiều đến rượu nấu pha chế thủ công, không rõ nguồn gốc, không nhãn mác.
Trước vấn đề trên, Phó Chi cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cho biết, cần phải có biện pháp mạnh truy tận gốc để xử phạt răn đe. Để làm được điều này, sẽ đề nghị cảnh sát điều tra vào cuộc truy tìm, ngoài ra, UBND xã, phường cũng tăng cường tuyên truyền về tác hại của rượu không nguồn gốc.
Bên cạnh đó, Sở Y tế xem xét tính đến việc có nên cấm các cơ sở kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ bán rượu trắng không nguồn gốc, đồng thời kiểm tra, giám sát kết hợp với tuyên truyền tác hại cũng như hậu quả của rượu không nguồn gốc để người kinh doanh hiểu và tuân thủ đúng pháp luật.