Chỉ sau 4 năm đưa vào sử dụng, hàng loạt công trình VH-XH trọng điểm của Hà Nội được gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - HN đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không phát huy hết công năng sử dụng hoặc bị sử dụng sai mục đích.
Rạp hát thành phòng tiệc
Rạp Ðại Nam, số 89, phố Huế (quận Hai Bà Trưng) - một trong những công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là nơi luyện tập, biểu diễn của một đoàn nghệ thuật lớn của thành phố. Tuy nhiên, nơi đây thỉnh thoảng được dùng để tooce chức… tiệc cưới. Từ tháng 9/2010, công trình rạp Ðại Nam được bàn giao cho Nhà hát Chèo để quản lý, sử dụng phục vụ dịp kỷ niệm Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, song đến gần cuối năm 2011, công trình mới cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, do các hạng mục như hệ thống phòng cháy, chữa cháy, máy phát điện chưa được bàn giao, hướng dẫn sử dụng, khu vực tầng hầm và tường rạp bị thấm nước, hệ thống tiêu thoát nước nhiều lần phải sửa chữa... đã ảnh hưởng lớn đến quản lý và hiệu quả sử dụng, khai thác của đơn vị.
Rạp Đại Nam bị biến thành nơi tổ chức tiệc cưới
Thư viện Hà Nội cũng là một trong những Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được đưa vào sử dụng từ năm 2008, nhưng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Hàng rào bao quanh thư viện làm bằng sắt ống đã có chỗ gãy và gỉ sét. Phía trong tòa nhà bị lún, độ dốc dồn vào chân tầng hầm, cho nên mỗi khi mưa to, nước từ trên tràn xuống dẫn đến ứ đọng ở tầng hầm. Do thấm nước, tường phòng hội thảo ở tầng 8 đã bị mốc, kho báo ở tầng 5 đã có rêu xanh mọc trên tường. Hệ thống ống thoát nước thải của tầng 1 và tầng hầm nhiều chỗ bị rò rỉ, bốc mùi xú uế. Ðáng chú ý, dù đang lưu giữ nhiều giấy tờ, trang thiết bị có nguy cơ cháy nổ cao, nhưng hệ thống báo cháy tự động trung tâm đã bị hỏng, các đầu báo cháy không được bảo trì, bảo dưỡng, cho nên Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thành phố đã nhiều lần lập biên bản, vì không bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ.
Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao của Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Khu vực sảnh tầng 1, các khu lớp học, bậc lên xuống cầu thang đều bị sụt, lún. Hệ thống cầu thang giữa hai nhà D và C bị nứt, cong vênh. Nước ngấm từ ngoài vào các phòng học, làm nhiều mảng tường bị mốc và bong rộp những mảng rộng.
Kinh phí lớn, sử dụng kém hiệu quả
Kinh phí để xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm không phải là nhỏ. Công trình ít tốn kém nhất như Thư viện Hà Nội cũng mất 38 tỷ đồng, tốn kém nhất là công trình Bảo tàng Hà Nội, hơn 2.300 tỷ đồng, song trên thực tế các công trình văn hóa - xã hội trọng điểm chưa phát huy tốt công năng sử dụng.
Bảo tàng Hà Nội chưa được sử dụng hiệu quả
Bảo tàng Hà Nội hiện nay được coi là bảo tàng lớn nhất nước, nhưng do chưa hoàn thành quy hoạch chi tiết trưng bày các hiện vật theo các chủ đề, chuyên đề, cho nên phần nội dung và hình thức trưng bày còn sơ sài. Số lượng khách đến tham quan giảm dần theo từng năm. Năm 2010, lượng khách tham quan bảo tàng đạt gần 290 nghìn lượt, đến năm 2011 còn gần 118 nghìn lượt. Năm 2013, con số này giảm xuống còn gần 85 nghìn lượt người. Tương tự, Thư viện Hà Nội dù với lợi thế nằm ở khu vực trung tâm thành phố, luôn nỗ lực để thu hút, lôi cuốn bạn đọc bằng việc tổ chức các sự kiện, hoạt động giao lưu, giới thiệu sách chuyên đề, gặp gỡ tác giả - tác phẩm..., nhưng lượng bạn đọc đến thư viện cũng giảm. Năm 2011, thư viện có 300 nghìn lượt bạn đọc, năm 2013 chỉ còn 192 nghìn lượt. Số lượng thẻ bạn đọc được cấp cũng giảm từng năm. Năm 2011, cấp gần 8.500 thẻ bạn đọc, năm 2013 chỉ cấp được 5.200 thẻ.
Trung tâm Văn hóa Kim Ðồng có quy mô bảy tầng. Thiết kế ban đầu để làm rạp chiếu phim cho thiếu nhi, cho nên khi đi vào vận hành cũng gặp không ít khó khăn. Thiếu nơi làm việc, trung tâm đã phải ngăn và chia hành lang tầng 4 thành các phòng làm việc. Số lượng phòng chiếu quá ít (chỉ có một phòng chiếu 4D, hai phòng chiếu 3D) cho nên gặp khó khăn trong việc lựa chọn phim, số lượng phim phục vụ khán giả và lượng khách cũng ít theo. Ngay tại thời điểm Ban Văn hóa - Xã hội của HÐND thành phố Hà Nội giám sát tại công trình này, phòng chiếu với sức chứa 450 chỗ ngồi của rạp chỉ có 12 khán giả tới xem phim. Ðể bù lại khoảng trống khán giả xem phim, trung tâm đã tổ chức thêm nhiều hoạt động như chiếu phim miễn phí, tổ chức các câu lạc bộ nghệ thuật miễn phí, hoạt động nhân ngày lễ Tết, thậm chí còn kết hợp mở tổ hợp thể thao giải trí cao cấp tại tầng 7.
Nguyên nhân chính khiến các công trình xuống cấp, không được sửa chữa kịp thời là do quá trình quyết toán, bàn giao công trình quá chậm, Trong sáu công trình văn hóa trọng điểm nói trên, đến nay mới có hai công trình là Thư viện Hà Nội, rạp Kim Ðồng hoàn thành quyết toán, một công trình là Trung tâm vận động viên cấp cao mới quyết toán được một số hạng mục. Ba công trình còn lại chưa được quyết toán. Sự chậm trễ này gây không ít vướng mắc cho các đơn vị trong công tác quản lý, vận hành, duy tu công trình.
Thư viện Hà Nội, một trong những công trình văn hóa trọng điểm
Ðại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Công tác quyết toán gặp nhiều khó khăn, chậm quyết toán và bàn giao các công trình phục vụ đại lễ bởi một số công trình phải thi công nhanh để kịp chào mừng đại lễ, một số công trình có quy mô lớn, việc thi công phức tạp, một số hạng mục vừa xây dựng vừa bổ sung thiết kế. Thời gian tới, Sở sẽ tích cực làm việc với các đơn vị liên quan, tháo gỡ những bất cập, đẩy nhanh tiến độ quyết toán, sớm bàn giao cho các cơ quan quản lý, vận hành.
Việc xuống cấp và không phát huy hết giá trị các công trình văn hóa trọng điểm tại Hà Nội đã được cảnh báo từ lâu và đã được chính quyền thành phố quan tâm. Song đáng nói là mọi việc diễn ra khá chậm, cho nên trong khi chờ đợi quá trình hoàn thiện các thủ tục bàn giao, thì các công trình văn hóa vốn là niềm tự hào của Thủ đô vẫn âm thầm xuống cấp. Ðể phát huy hiệu quả lâu dài các công trình, ngoài việc sớm bàn giao quản lý, đầu tư chống xuống cấp, điều quan trọng hiện nay là thành phố Hà Nội và các đơn vị cần tăng tính chủ động, sáng tạo trong khai thác để phát huy tốt nhất nguồn ngân sách nhà nước đã đầu tư cho các công.