Hà Nội: Người thuê trọ khốn đốn vì không được phát thẻ đi chợ

Đỗ Việt| 09/08/2021 13:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không đăng ký tạm trú, nhiều người thuê trọ lâm vào tình cảnh khốn đốn vì không được phát thẻ đi chợ để mua thức ăn trong những ngày thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid – 19.

Người thuê trọ không có tên trong danh sách phát thẻ đi chợ

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành công điện số 18 về việc tiếp tục giãn cách xã hội đến 23/8 để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh và hạn chế số ca nhiễm ngoài cộng đồng.

Trước đó, Hà Nội cũng thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày để phòng chống dịch, bắt đầu từ 06h ngày 24/7. Trong thời điểm giãn cách xã hội, người nhân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác.

225560318_577050890118634_483165074375256223_n.jpg
Người dân nhận đồ tiếp tế ngoài khu vực chốt kiểm soát

Để bảo vệ vững chắc thành quả chống dịch, Hà Nội bố trí, tăng cường các chốt nhằm kiểm soát, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc giãn cách: Khu phố cách ly với khu phố; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh. Đồng thời triển khai việc phát thẻ đi chợ toàn thành phố, mục đích là giảm thiểu tối đa lượng người đến chợ, tránh tập trung đông người.

Cụ thể, mỗi hộ dân được nhận 5 thẻ đi chợ luân phiên trong 15 ngày giãn cách xã hội, trên thẻ ghi rõ họ tên đại diện hộ gia đình, địa chỉ, tần suất đi chợ 3 ngày một lần. Mỗi thẻ chỉ được sử dụng một lần khi vào chợ và được lực lượng chốt kiểm soát vào chợ thu lại để phục vụ quá trình điều tra dịch tễ khi cần thiết.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công lý, việc phát thẻ đi chợ trong thời gian giãn cách được thực hiện theo quy trình cấp phát từ trên xuống dưới, UBND phường in thẻ rồi phát cho Tổ dân phố. Tổ dân phố phát cho các hộ gia đình có trong tổ. Việc phát thẻ được thống kê bởi Tổ dân phố thông qua hộ khẩu và khai báo tạm trú tạm vắng của người dân.

Tuy nhiên, đối với người lao động tự do từ các địa phương khác đến thuê trọ làm việc tại Hà Nội không thực hiện đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương nơi ở trọ thì không có tên trong trong danh sách phát thẻ đi chợ.

Anh Nguyễn Hữu Hậu, quê Thái Bình hiện đang thuê trọ ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm chia sẻ, từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn phường bị giải tỏa để phòng dịch, chỉ có một số chợ truyền thống được hoạt động, bán hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Thế nhưng, muốn vào chợ phải có thẻ đóng dấu của UBND phường. “Tôi thuê trọ và chưa làm thủ tục đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương nên không thuộc diện được phát thẻ, việc đi mua đồ ăn gặp nhiều khó khăn vì các hàng quán đều đóng cửa, chủ yếu ăn uống tạm bợ để duy trì qua mùa dịch”.

229970900_643926506999509_1380426056460353248_n.jpg
Mì tôm và trứng là món ăn phổ biến của người lao động trong thời điểm giãn cách xã hội

Tương tự, anh Vũ Văn Thành quê ở Hải Phòng hiện đang thuê trọ trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cho biết, anh không được nhận thẻ đi chợ vì chưa làm thủ tục đăng ký tạm trú. Khu trọ anh Thành sinh đống chủ yếu là người làm lao động tự do, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên phần lớn những người này đã về quê tránh dịch.

“Tôi thuê trọ cùng với một người bạn đồng nghiệp khác, nhưng do công việc bấp bênh nên người này đã về quê trước thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Ở một mình ngại nấu nướng, với lại đi chợ cũng bất tiện vì không có thẻ nên chủ yếu là mì tôm và trứng gà đã mua dự trữ từ trước đó”, anh T. bộc bạch.

Cần liên hệ trực tiếp với Tổ dân phố để được phát thẻ

Khảo sát trên một số quận như Cầu giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Long Biên (Hà Nội), hầu hết các trường hợp lao động tự do, thuê trọ không đăng ký tạm trú đều không được cấp thẻ đi chợ và phải tự xoay sở để duy trì qua những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Trong khi một số người lao động chọn cách về quê để tránh dịch thì nhiều người vẫn kiên trì bám trụ ở thành phố do đặc thù mỗi công việc.

232824718_332520961787174_3325281026302881362_n.jpg
Bữa ăn tạm bợ của người lao động trong một khu trọ

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố Hà Nội cho biết, do Hà Nội là thủ đô của cả nước, nên số lượng người dân từ các tỉnh khác đổ về để kinh doanh, sinh sống là rất đông, đông hơn nhiều so với số lượng người dân bản địa. Vậy nên, việc quản lý dân cư tại thủ đô Hà Nội cũng gặp rất nhiều những khó khăn, bất cập. Bên cạnh đó, có một bộ phận lớn người dân sinh sống không ổn định mà liên tục di chuyển, biến động khiến cho công tác quản lý càng khó khăn hơn.

Đề cập đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Kiều Trang (Công ty Luật Sao Sáng) cho biết, trong tình hình dịch hiện nay, việc không có tạm trú tạm vắng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của mỗi cá nhân, điển hình là không được cấp thẻ đi chợ trong mùa dịch.

Theo luật sư Trang, trên thực tế, việc thuê trọ và quản lý thuê trọ còn gặp rất nhiều bất cập, chẳng hạn người đến thuê trọ không đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương; bạn của người thuê trọ tự ý chuyển đến ở phòng trọ trong khi người thuê trọ không thông báo cho chủ nhà biết hoặc có những trường hợp người thuê trọ không trực tiếp ký hợp đồng thuê nhà với chủ nhà mà ký qua môi giới, cò đất, nên có những trường hợp người thuê trọ không biết mặt chủ nhà và ngược lại.

Việc phát thẻ đi chợ trong thời gian giãn cách được thực hiện theo quy trình cấp phát từ trên xuống dưới, UBND phường lập phiếu rồi phát cho Tổ dân phố. Tổ dân phố phát cho các hộ gia đình có trong tổ. Do việc phát phiếu tính trên số đầu hộ gia đình nên gặp phải một số trường hợp đó là chủ nhà ở chung với người thuê trọ nên số phiếu phát ra trên đầu số hộ thấp hơn nhu cầu thực tế của các thành viên sống trong hộ đó hoặc trường hợp chủ nhà trọ xây nhà cho thuê chứ không sinh sống tại địa phương, nên phiếu phát ra không tới được tay người dân thuê trọ vì bị đứt gãy mối liên kết đó là chủ nhà trọ.

Để không bị xáo trộn, người thuê trọ cần mang theo giấy tờ tùy thân liên hệ ngay với Tổ dân phố nơi bạn đang sống để yêu cầu được phát thẻ đi chợ theo quy định nhằm đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Người thuê trọ khốn đốn vì không được phát thẻ đi chợ