Hà Nội: Lao động thất nghiệp nằm la liệt dưới gầm cầu

Hoàng Quốc Hải (ghi nhanh)| 14/08/2021 07:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ít nhất 8 lao động ảnh hưởng bởi Covid-19 bị mất việc, nằm la liệt dưới gầm đường vành đai 3, đối diện bến xe Mỹ Đình (Hà Nội). Những ngày qua, họ phải bán điện thoại, cắm chứng minh thư nhân dân để lấy tiền ăn.

0 giờ ngày 14/8, đường phố Hà Nội vắng tanh, thi thoảng mới thấy bóng người qua lại. Giờ này, có lẽ nhiều gia đình đã chìm sâu vào giấc ngủ. Song dưới gầm đường vành đai 3, đối diện bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) có ít nhất 8 người đang trằn trọc không thể ngủ, phần vì muỗi, phần vì nóng, phần vì lo không biết số phận ngày mai sẽ ra sao?

Họ là những người lao động đến từ các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Điện Biên, Nghệ An và Tuyên Quang. Từ ngày Hà Nội giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, không có việc, không có tiền, không thể về quê, họ phải vạ vật dưới gầm cầu hàng chục ngày nay để sống qua ngày.

ecaad2895e71a92ff060.jpg
Anh T.V.H nằm một mình ngay trước lối xuống hầm đi bộ ở cổng bến xe Mỹ Đình.

Trước lối xuống hầm đi bộ cổng bến xe Mỹ Đình là anh T.V.H (SN 1971, trú tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La). Một chiếc balo đựng quần áo, một quả bí đao, mấy cân gạo, một chiếc bát, một đôi đũa chưa kịp rửa, một chiếc điện thoại đen trắng và một chiếc chiếu là toàn bộ “hành trang” của anh H. Song, anh T.V.H lại được xem là người "khá giàu" ở đây, vì đơn giản anh còn có điện thoại để liên lạc.

Anh H. vén áo lên tới ngực, cả người nằm ra ngoài chiếu. “Hồi tối anh H. và D. có uống một chút rượu được người dân cho. Anh D. và anh H. là 2 anh em”, anh T.V.H (SN 1997, ở Nghĩa Đàn, Nghệ An), là một trong 8 lao động thất nghiệp nói.

c8dad2f85e00a95ef011.jpg
Anh T.V.H, cho biết phải bán điện thoại, còn anh N.B.H phải cắm cả chứng minh thư lấy tiền mua thực phẩm.

Thấy chúng tôi, anh H. bật dậy vẻ lo lắng “Em không làm gì, em chỉ xin ngủ ở đây thôi” và lục tìm chiếc ví trống trơn trong balo, lấy ra chứng minh thư đưa cho chúng tôi.

Anh H. kể: "Chưa dịch em đi làm bên xây dựng. Bắt đầu dịch, công trường đóng cửa không cho làm, tiền cai thầu chưa trả, các anh bảo thôi cứ về đi. Nhưng giờ biết về đâu? Tiền không có, xe không có. Đành ăn bờ ở bụi. Nay là được 13 ngày".

7e36c6134aebbdb5e4fa.jpg
Những ngày qua, 8 lao động thất nghiệp này phải tắm, giặt... tại nhà vệ sinh công cộng. 

Đối diện bến xe Mỹ Đình, dưới gầm đường vành đai 3 là anh T.V.H, anh D. (SN 1968, ở Điện Biên), anh L.V.L (SN 1986, ở Điện Biên) và anh N.B.H (SN 1985, ở Thanh Thủy, Phú Thọ).

Anh D., anh L.V.L và anh N.B.H làm xây dựng, còn T.V.H trước trông quán internet và phục vụ quán ăn. “Chú D. và anh L.V.L vừa chợp mắt, để em gọi mọi người dậy”, T.V.H nói. Tôi gạt tay: “Em để mọi người nghỉ”.

589b6ebde245151b4c54.jpg
L.V.M không có chiếu, phải lấy tạm miếng gỗ ép để nằm.

Mọi người ở đây được bao ngày rồi? Tôi hỏi. “Ở đây có 5 người, đầu trên kia có 3 người nữa là 8, đều lang thang hơn chục ngày nay rồi. Những ngày đầu không có tiền, em phải bán điện thoại để mua lương thực. Giờ hết tiền, không có gì để bán nữa, thi thoảng em vào xin mấy anh Công an. Khoảng 2, 3 ngày nay thì có cơm từ thiện”, T.V.H cười lạc quan. Trong khi đó, anh N.B.H thì nói phải cắm cả chứng minh thư của mình 250 nghìn đồng trên phố Nguyễn Hoàng để lấy tiền mua đồ ăn.

Dưới đường vành đai 3, cách bến xe Mỹ Đình khoảng 300m theo hướng Phạm Văn Đồng là L.V.M (SN 2000, ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La). M. không có chiếu, phải lấy tạm miếng gỗ ép để nằm. M. mới lên Hà Nội làm xây dựng. Dịch Covid-19, Hà Nội phong tỏa, công trường đóng cửa, mất việc, M. còn bị chủ nợ hơn 1 triệu đồng tiền công chưa trả.

“Giờ em chỉ muốn về quê, nhưng không có xe, tiền không có, điện thoại cũng không. Khi Hà Nội bắt đầu dịch, em có mượn điện thoại gọi về nhà nói với gia đình là đi cách ly hết rồi, cuộc sống vẫn ổn, chứ không dám nói đang vạ vật như vậy để gia đình lo lắng”, L.V.M buồn rầu.

Dịch xuống một chút nữa là anh H.V.P (SN 1989) và vợ là chị T. (SN 1995, ở Na Hang, Tuyên Quang). Vợ chồng anh P. và chị T. có lẽ là 2 người “sướng” nhất trong số 8 lao động thất nghiệp, bởi 2 người còn có màn để tránh muỗi.

5e494f7bce8339dd6092.jpg
Vợ chồng anh H.V.P được xem là "sướng" nhất vì còn có màn để tránh muỗi.

“Trước đây vợ chồng em làm công nhân xây dựng ở dưới đường Nguyễn Xiển. Từ ngày Hà Nội giãn cách, mất việc, vợ chồng em qua đây ở. Không ở đây cũng chẳng biết ở đâu. Tiền không có, hằng ngày cũng chẳng biết làm gì, chỉ nằm. Giờ chẳng nhẽ cuốc bộ về quê mấy trăm cây số. Nhưng cuốc bộ thì cũng phải có tiền mua nước, đồ ăn…”, anh H.V.P tự hỏi rồi tự trả lời.

Cũng như 6 lao động thất nghiệp trên, vợ chồng anh H.V.P không dám nói sự thật với gia đình. Người nhà có hỏi chỉ nói vợ chồng con vẫn ổn, vẫn ăn uống bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Lao động thất nghiệp nằm la liệt dưới gầm cầu