Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa công bố điểm thi vào lớp 10 năm học 2023-2024, theo chỉ tiêu, trong số hơn 104.000 thí sinh tham dự kỳ thi, chỉ có khoảng 72.000 thí sinh được tuyển vào các trường THPT công lập, chiếm hơn 55% cùng chỉ tiêu của một số trường chuyên. Số thí sinh trượt công lập là hơn 30.000 thí sinh.
Học trường công lập không phải con đường duy nhất
Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, số lượng học sinh và tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố như sau:
Tuyển sinh vào trường THPT khoảng 102.000 học sinh (tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023).
Trong đó, tuyển vào các trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh (tăng 1.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023), chiếm tỷ lệ 55,7%.
Tuyển vào các trường THPT công lập tự chủ và tư thục khoảng 30.000 học sinh, chiếm tỷ lệ 23,2%.
Tuyển sinh vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 học viên, chiếm tỷ lệ 7,7%.
Tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên liên kết với các trường trung cấp và cao đẳng dạy văn hóa chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT) khoảng 17.210 học viên, chiếm tỷ lệ 13,4%.
Năm nay, số thí sinh có cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập chiếm tỷ lệ thấp nhất. Trước đó, năm học 2021-2022 khoảng 64,7% trúng tuyển vào các trường THPT công lập, năm học 2020-2021 có khoảng 60%, năm học 2019-2020 là 60%.
Trong thực tế, việc nhiều học sinh không đỗ vào trường công lập là hết sức bình thường. Nhưng thời điểm này, học sinh không đạt nguyện vọng, chính là những người buồn nhiều nhất. Vì vậy, phụ huynh học sinh và những người thân trong gia đình nên bình tĩnh, thấu hiểu con em mình thay vì thể hiện cảm xúc tiêu cực trước mặt các em.
Việc phụ huynh học sinh thể hiện cảm xúc tiêu cực khi kết quả không như mong muốn, sẽ không giải quyết được vấn đề. Thay vì thế, phụ huynh hãy tìm phương án khác tối ưu hơn để động viên, khích lệ tinh thần các em như hướng con vào những trường tư phù hợp với mong muốn, điều kiện kinh tế của gia đình hoặc đăng ký vào trường giáo dục thường xuyên cũng là một lựa chọn...
Theo quy định, những thí sinh trượt nguyện vọng 1 mà đỗ nguyện vọng 2 hoặc 3 thì các em sẽ phải thực hiện đăng ký trúng tuyển theo quy định.
Đối với các thí sinh đỗ nguyện vọng 2 hoặc 3, gia đình có thể phúc khảo bài thi, nhưng không nên bỏ tất cả để trông chờ kết quả này. Nếu chờ kết quả phúc khảo, thí sinh sẽ bỏ lỡ thời điểm xác nhận nhập học. Do đó, phụ huynh cần xác nhận nhập học trước. Nếu kết quả phúc khảo đủ để các em đỗ trường nguyện vọng 1, khi đó gia đình trao đổi với trường đã nhập học để được hướng dẫn bước tiếp theo.
Trường hợp nếu các em không may bị trượt, không đỗ một nguyện vọng nào, theo chuyên gia giáo dục, cha mẹ học sinh nên tìm hiểu và đăng ký cho con vào trường tư thục phù hợp, hoặc hệ giáo dục thường xuyên hoặc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các trường trung cấp, cao đẳng nghề.
Cần ổn định tâm lý, định hướng cho các em học sinh
Bố mẹ, bạn bè và thầy cô giáo cần chia sẻ để học sinh hiểu được, đây chỉ là một kỳ thi bước đầu, cơ hội phía trước vẫn còn nhiều. Do đó, các em cần nhanh chóng ổn định tinh thần, không nên hoang mang, tránh vết thương tâm lý sẽ ảnh hưởng về sau.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố phát triển rất đa dạng, có thể đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh theo nguyện vọng và năng lực.
Ngoài khối trường công lập, học sinh có thể chọn học lớp 10 tại các trường công lập tự chủ, tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...
Trong số hơn 30.000 học sinh không trúng tuyển các trường công lập, Hà Nội dự kiến tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 em, tuyển vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hơn 17.000 em...
Sở GD&ĐT Hà Nội bảo đảm 100% học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào các trường.
Nhằm khuyến khích học sinh tìm ra con đường học vấn phù hợp và thúc đẩy sự phát triển cá nhân của mình, thì việc trượt vào lớp 10 trường công lập lần này, không định hình toàn bộ tương lai. Thực tế, có rất nhiều con đường khác trong học vấn, và tìm ra phương án tiếp theo phụ thuộc vào sự quyết tâm và khả năng thích nghi của từng học sinh.
Có một số phương án, phụ huynh, học sinh có thể xem xét như việc: Xem xét việc nộp đơn vào các trường công lập khác. Một số trường có chương trình giáo dục linh hoạt và chấp nhận thí sinh trượt lớp 10. Tìm hiểu về các chương trình và yêu cầu tuyển sinh của các trường này và nộp đơn vào những trường phù hợp với sở thích và khả năng.
Bên cạnh đó, có rất nhiều trường tư thục có chương trình giáo dục chất lượng và cung cấp môi trường học tập tốt. Tìm hiểu về các trường tư thục và xem xét các chính sách hỗ trợ tài chính và học bổng để giảm bớt gánh nặng tài chính.
Một lựa chọn khác là học trực tuyến. Có nhiều trung tâm và tổ chức giáo dục trực tuyến cung cấp chương trình học độc lập và linh hoạt. Học sinh có thể tham gia vào các khóa học trực tuyến để nắm bắt kiến thức và đạt được các mục tiêu học tập của mình. Ngoài ra, việc học trực tuyến cũng cho phép người học tự quản lý thời gian và tạo sự linh hoạt trong việc học tập.
Xem xét tham gia vào các chương trình học chuyên nghiệp hoặc đào tạo nghề. Có nhiều ngành nghề yêu cầu kỹ thuật cao và không nhất thiết phải có bằng cấp lớn để tham gia. Tìm hiểu về các ngành nghề như kỹ thuật, thiết kế đồ họa, công nghệ thông tin, nghệ thuật, thẩm mỹ viện, hay thợ lành nghề để khám phá tiềm năng của mình và lựa chọn con đường học tập phù hợp.
Dù các em học sinh chọn con đường học tập nào, hãy đặt kế hoạch tương lai dài hạn và xác định mục tiêu cụ thể. Điều quan trọng là học từ kinh nghiệm trượt vào lớp 10 trường công và sử dụng nó làm động lực để phát triển và đạt được thành công trong tương lai.
Cần nhớ rằng thành công không chỉ đến từ việc học trong một môi trường nhất định, mà nó đến từ sự quyết tâm và nỗ lực cá nhân. Hãy tin tưởng vào khả năng của mình và luôn luôn đi tìm cơ hội học tập và phát triển cá nhân.