Theo UBND thành phố Hà Nội, thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát năm 2023, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,27%, quy mô GRDP đạt 54,5 tỷ USD; số doanh nghiệp thành lập mới đạt hơn 31,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,3% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đạt hơn 380.000.
Để đạt được kết quả trên, từ yêu cầu thực tiễn trong năm qua, Hà Nội đã lựa chọn đúng và trúng những vấn đề cấp bách, xác định được các vấn đề để tập trung chỉ đạo nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, địa phương.
Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, đã có tổng cộng 83 cuộc họp được tổ chức trong năm qua; phần lớn là các cuộc họp xử lý các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn các quận, huyện, thị xã nhằm chủ động phối hợp, kịp thời chia sẻ, trao đổi thông tin để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cấp cơ sở.
Cùng với đó, thông qua hoạt động giám sát, chất vấn của HĐND thành phố, hơn 700 dự án chậm triển khai đã được thành phố Hà Nội lên phương án giải quyết.
Thành phố Hà Nội cũng đã giảm thuế giá trị gia tăng cho 105.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền gần 29.000 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp với số tiền hơn 20.000 tỷ đồng… giúp doanh nghiệp dần phục hồi và phát triển.
Tổ công tác đặc biệt của UBND thành phố về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án trên địa bàn thành phố cũng đã tổ chức nhiều phiên họp có sự tham gia của các bên liên quan.
Lãnh đạo UBND thành phố cam kết cùng với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đồng hành, kề vai sát cánh, tháo gỡ các vướng mắc, rào cản để các doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động thuận lợi.
Điển hình như từ kiến nghị của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (đã được chuyển từ Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội quản lý) về khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng 21 năm qua chưa thể thực hiện xong, UBND thành phố yêu cầu, trong năm 2024, hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai phải hoàn thiện công tác bồi thường, bàn giao 169ha mặt bằng còn lại cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Thời gian tới, thành phố cũng giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các sở, ngành, địa phương.
UBND thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ các cơ chế, chính sách và đề xuất giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư ngoài thẩm quyền của thành phố.
Bên cạnh đó, UBND thành phố thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chương trình hành động, kế hoạch triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tăng chi phí, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan. Hà Nội cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; kết nối doanh nghiệp công nghiệp chủ lực với các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính; kích cầu trên các sàn thương mại điện tử; ưu đãi doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, công nghệ; đẩy nhanh thẩm định, phê duyệt hồ sơ các dự án xây dựng; thực hiện giảm thuế, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.