Hà Nội: Đảm bảo hàng hóa tối đa trong dịp Tết Nguyên đán 2017

Đỗ Việt| 20/12/2016 17:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, số hàng hóa chuẩn bị để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 trên địa bàn thành phố đạt khoảng 23.500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế họach dự trữ hàng hóa Tết 2016.

Chiều 20/12, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội đã thông tin về công tác bảo đảm cung cầu hàng hoá và kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.

Hà Nội: Đảm bảo hàng hóa tối đa trong dịp Tết Nguyên đán 2017

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội thông tin tại cuộc họp

Theo bà Lan, Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân Thủ đô mua sắm hàng hóa đảm bảo chất lượng, Sở Công thương đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và Ban quản lý chợ các chợ đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết.

Cụ thể, trên cơ sở xác định số dân, thu nhập của người dân trong năm 2016, sức mua trên thị trường, nhu cầu và khả năng cung ứng hàng hoá của các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn cần dự trữ bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết, Sở đã xác định nhu cầu và nguồn cung một số mặt hàng phục vụ Tết như 88.000 tấn gạo (tăng 5-7% so với các tháng thường);  15.300 tấn thịt lợn hơi (tăng 18-20%); 4600 tấn thịt bò (tăng 15%); 6.400 tấn thịt gà (tăng 25%)...  Các mặt hàng như rau củ; trứng gà, vịt; bánh mứt kẹo; rượu, bia, nước giải khát cũng đều tăng từ 15-25% so với các tháng thường.

“Khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn TP trong một tháng Tết về các mặt hàng thịt lợn, thịt gà đáp ứng nhu cầu thị trường Hà Nội trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, khi có dịch bệnh, lưu thông hàng hoá ra ngoài địa bàn và do nhu cầu đa dạng của người dân trong dịp Tết nên có thời điểm sẽ phải khai thác thêm từ các tỉnh, TP lân cận”. Bà Lan cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hoá phục vụ Tết trên địa bàn TP đạt khoảng 23.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hoá Tết năm 2016).

Ngoài ra, để bảo đảm nguồn hàng, cung ứng hàng hoá, Sở Công thương phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức các điểm bán hàng như Tuần hàng Việt, phiên chợ Việt, chuyến bán hàng lưu động...Sở Công thương cũng đã tổng hợp  và trình UBND TP tạo điều kiện cấp phép cho 102 xe chở hàng hoá thiết yếu, xăng dầu hoạt động 24/24h trong khu vực nội thành, bảo đảm lưu thông hàng hoá thiết yếu phục vụ dân sinh trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Bà Lan nhấn mạnh, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra ATTP tại các nhà hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các mặt hàng thực phẩm, bánh mứt kẹo, bia, rượu, nước giải khát nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu tại các cửa hàng kinh doanh lớn, các điểm tập kết chứa hàng lậu, kho tàng, bến bãi…

Về kế họach triển khai chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017, bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó TGĐ TCty Thương mại Hà Nội cho biết đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hoá với tổng giá trị ước tính khoảng trên 1.200 tỷ đồng, tăng 5% so với Tết 2016.

Trước Tết Nguyên đán 2 tuần, các địa điểm kinh doanh của TCty tăng thêm giờ bán hàng phục vụ đến 21h30. Riêng ngày 28, 29 Tết mở cửa đến 22h và căn cứ vào tình hình thực tế, ngày 30 Tết các địa điểm sẽ tiếp tục kéo dài thêm thời gian kinh doanh, bán hàng để phục vụ người dân. Trong ngày mùng 1 Tết, Tcty Thương Mại Hà Nội có 5 địa điểm mở thông cả Giao thừa để phục vụ người dân.

Báo cáo của Chi cục QLTT Hà Nội về kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 cho biết, từ ngày 15/11 đến 16/12/2016, Chi cục QLTT đã kiểm tra 1.066 vụ, xử lý 824 vụ, tổng thu trên 9,3 tỷ đồng. Trong đó số vụ vi phạm về ATTP chiếm tỷ lệ cao nhất với 208 vụ; 191 vụ vi phạm về hàng lậu;  107 vụ vi phạm về hàng giả, sở hữu trí tuệ; 50 vụ vi phạm về đo lượng chất lượng. Trong đó xử phạt hành chính 4,5 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 2,7 tỷ đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy 2 tỷ đồng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Đảm bảo hàng hóa tối đa trong dịp Tết Nguyên đán 2017