Hà Nội đã có phố Phạm Văn Bạch

Nguyễn Phan Khiêm| 07/07/2015 23:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý ngày 13/4/2012 có đăng bài “Hà Nội nên có phố mang tên Phạm Văn Bạch”, sau 3 năm kiến nghị đó đã thành sự thật.

Chiều 6/7, với 85/92 (92,39%) đại biểu tán thành, kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về đặt tên một số đường phố mới, trong đó có phố Phạm Văn Bạch.

Nghị quyết của HĐND Tp Hà Nội kỳ này điều chỉnh độ dài 22 đường, phố của 8 quận, huyện, trong đó có 9 đường, phố mang tên địa danh; 4 phố mang tên di tích lịch sử văn hóa; 6 đường, phố mang tên danh nhân và 3 phố điều chỉnh kéo dài.

Phố Phạm Văn Bạch (quận Cầu Giấy) từ ngã tư giao cắt phố Trung Kính - Dương Đình Nghệ đến bùng binh nối các phố Tôn Thất Thuyết, Trần Thái Tông, cạnh Cung Trí thức Tp Hà Nội, dài 500m, rộng 40m.

18 đường, phố mới khác được đặt tên bao gồm: Phố Hoàng Liên, đường Sùng Khang, phố Châu Đài, phố Trung Tựu, phố Đăm, phố Thanh Lâm (quận Bắc Từ Liêm); phố Mạc Thái Tổ, phố Mạc Thái Tông, (quận Cầu Giấy); phố Yên Lộ (quận Hà Đông); đường Phúc Lợi (quận Long Biên); phố Đại Linh, phố Do Nha, phố Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm); phố Nguyễn Đình Thi, phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ); đường Bắc Hồng, đường Vân Nội, đường Gia Lương (huyện Đông Anh).

3 tuyến phố được điều chỉnh kéo dài là phố Trần Phú (quận Ba Đình), phố Nhật Tảo (quận Bắc Từ Liêm) và phố Hàm Nghi (quận Nam Từ Liêm).

Hà Nội đã có phố Phạm Văn Bạch

Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch tiếp ông Smiarnop - Tòa án tối cao Liên Xô

Theo Trưởng ban văn hóa của Hội đồng nhân dân, bà Nguyễn Thị Thùy, tờ trình đã có ý kiến thống nhất của các quận, huyện liên quan, văn bản thống nhất của Bộ Văn hóa, Viện Sử học, Tòa án nhân dân tối cao, Hội nhà văn, Hội nhạc sỹ.

Như bài “Hà Nội nên có phố mang tên Phạm Văn Bạch” đã phản ánh, TS Phạm Văn Bạch (1910-1986) là trí thức thượng lưu, tham gia cách mạng. Cậu ấm Phạm Văn Bạch, sinh ngày 18/6/1910, tại làng Khánh Lộc, nay là xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, trong một gia tộc lớn. Ông được gia đình cho vào học trường Trung học Mỹ Tho rất sang trọng. Do sớm có tư tưởng dân chủ và tinh thần yêu nước, Phạm Văn Bạch là một trong những học sinh cầm đầu vụ bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh, nên bị đuổi học.

Năm 18 tuổi, ông được đi du học tại Lyon, Pháp. Với trí thông minh và lòng say mê, được học tập trong một môi trường sư phạm tuyệt vời nên Phạm Văn Bạch sớm trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất của nhà trường.

Cũng trong thời gian học tập tại đây ông đã bí mật tham gia sinh hoạt trong Đoàn Thanh niên cộng sản Pháp. Trong những năm tháng hoạt động sôi nổi đó, ông đã có một tình bạn đặc biệt với cô Lucelte Charnioux - Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Pháp tỉnh Rhone. Ông cũng thường đứng trước Tòa bào chữa miễn phí cho những người từ các nước thuộc địa hoạt động chính trị bị bắt, nên Phạm Văn Bạch bị chính quyền thuộc địa cắt học bổng.

Mặc dù vậy, năm 22 tuổi, Phạm Văn Bạch đỗ Cử nhân Luật và Cử nhân Triết học. Năm 1936, ông đỗ Tiến sĩ Luật tại trường Đại học Lyon với luận án “Hiến pháp Xô Viết và thực tiễn Xô Viết - giải pháp đúng đắn cho vấn đề dân tộc và giai cấp”. Ngay giữa thành trì của chủ nghĩa thực dân, Phạm Văn Bạch đã chọn đề tài về Liên Xô để nghiên cứu như thế, khiến nhiều giáo sư rất khó chịu, khuyên ngăn nhưng ông không thay đổi quyết định của mình. Luận văn được đánh giá là xuất sắc, dù không ưa xu hướng chính trị của tác giả nhưng Hội đồng không thể không chấm hạng ưu. Báo chí Pháp hồi đó có nhiều bài viết đánh giá rất cao Tiến sĩ Luật khoa Phạm Văn Bạch trẻ tuổi.

Mùa thu năm 1945, ông là một trong những nhân vật chủ chốt được Tỉnh ủy giao lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền tại tỉnh Bến Tre. TS Phạm Văn Bạch được cử giữ chức Chủ tịch UBND lâm thời và sau đó là đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre.  Tháng 9/1945 ông Hoàng Quốc Việt, đại diện Trung ương Đảng cùng đại diện Xứ ủy Nam bộ mời ông lên Sài Gòn và giao trọng trách Chủ tịch UBND cách mạng Nam bộ, trên cơ sở quyết định nhất trí của Mặt trận Việt Minh.

Ông ra Bắc giữ cương vị Chánh án TANDTC từ khi thành lập, năm 1959 đến khi nghỉ hưu năm 1981. Ông là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI (từ 1946 đến 1981).

Với cương vị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao từ ngày đầu thành lập “vạn sự khởi đầu nan”, ông đã đặt những viên gạch đầu tiên, tạo nền móng vững chắc cho Tòa án nhân dân tối cao trưởng thành. Trong một bản tự nhận xét năm 1976, Chánh án Phạm Văn Bạch viết: “Đã luôn luôn hết sức cố gắng thực hiện tốt các nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho với một tinh thần trách nhiệm cao… Thường xuyên làm việc khẩn trương, thận trọng và dân chủ với một tinh thần chí công vô tư, khách quan để bảo vệ chân lý, đồng thời có tinh thần thương yêu đồng chí, đồng bào, cán bộ và tôn trọng nhân phẩm trên cơ sở lập trường quan điểm của giai cấp vô sản”…

Là một nhà luật học uyên thâm, Phạm Văn Bạch đã có những đóng góp to lớn đối với việc hoàn chỉnh hệ thống pháp luật Việt Nam. Ông đã tham gia Ủy ban soạn thảo các Hiến pháp 1946, 1959 và 1980. TS Phạm Văn Bạch đã tham dự 17 Hội nghị quốc tế lớn ở khắp các châu lục để đấu tranh bảo vệ sự nghiệp cách mạng, bảo vệ nền dân chủ và nền luật học non trẻ của Việt Nam.

Từ năm 1955, TS Phạm Văn Bạch liên tục được bầu giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, ủy viên Ban pháp chế Trung ương Đảng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam, Viện trưởng Viện Luật học, Phó Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ thế giới…

Suốt mấy chục năm trời, ông và gia đình gắn bó với Thủ đô Hà Nội. Căn biệt thự công vụ 68A phố Trần Hưng Đạo, đối diện ngõ Hà Hồi đã gắn bó với Chánh án Phạm Văn Bạch cho đến khi ông nghỉ hưu, trở về miền Nam quê hương ông.

Ông mất ngày 8/3/1986 tại Tp. Hồ Chí Minh. Để tưởng nhớ công lao của ông, Tp. Hồ Chí Minh đã lấy tên ông đặt cho một đại lộ lớn. Tp. Đà Nẵng và một số địa phương khác cũng có đường phố mang tên ông.

Giờ đây, Thủ đô Hà Nội, nơi ông đã sống và làm việc nhiều năm, cũng đã có một đường phố đẹp, hiện đại mang tên Phạm Văn Bạch - một trí thức lỗi lạc, có nhiều cống hiến lớn lao cho nhân dân, cho đất nước. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đã có phố Phạm Văn Bạch