Những năm gần đây, nhiều hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện đã gây nên những tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội, điều đó đặt ra thách thức ngày một lớn hơn cho công tác phòng chống lụt bão (PCLB), úng ngập của Thành phố...
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Thành ủy, HĐND và sự chỉ đạo trực tiếp của UBND Thành phố, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chủ động triển khai và thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt, bão, úng ngập trên địa bàn Thành phố với tinh thần chủ động, tích cực và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức triển khai công tác chuẩn bị PCLB để sẵn sàng đối phó với bão lũ; hướng dẫn các quận, huyện ban ngành tổng kết và triển khai công tác PCLB theo phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục hậu quả”. Ngoài ra, đơn vị cũng tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn trước mùa mưa lũ; tiến hành sửa chữa những chỗ hư hỏng và xây dựng các phương án PCLB nhằm bảo đảm an toàn cho hồ đập và dân cư ở vùng hạ lưu cũng như xây dựng phương án sơ tán các hộ dân sinh sống ở ngoài bãi sông.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức xác định các vị trí, khu vực đê xung yếu và lập phương án hộ đê, PCLB; tổ chức lực lượng xung kích, tuần tra canh gác đê; chuẩn bị vật tư dự trữ, phương tiện hộ đê, PCLB; đôn đốc các huyện và các ngành liên quan xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động nghề cá; có phương án sơ tán dân ở khu vực sát mép nước khi có bão xảy ra; đôn đốc các huyện miền núi rà soát, điều tra, thống kê lại các khu vực có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và xây dựng phương án phòng tránh, tổ chức cắm biển báo; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phòng tránh lụt bão cho nhân dân.
Hình ảnh cứu nạn của đê điều và PCLB Hà Nội
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, đơn vị luôn coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc ở cơ sở, với yêu cầu công tác chuẩn bị phải thực sự đầy đủ, sát, đúng với yêu cầu thực tế; tổ chức kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền về công tác PCLB ở các địa phương theo phương châm “4 tại chỗ” (vật tư, hậu cần, lực lượng và chỉ huy tại chỗ); phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê theo phương án và kế hoạch được duyệt. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo tăng cường phối hợp với các tổ chức, cơ quan có lực lượng nòng cốt ở cơ sở trong triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở cấp cơ sở.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khu vực, các Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh, cung cấp các bản tin dự báo mưa lớn, lũ, rét đậm rét hại,... một cách chi tiết, dễ hiểu hơn đến chính quyền, cơ quan phòng chống thiên tai các địa phương để chủ động triển khai phương án ứng phó; phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng chương trình thông tin, truyền thông về phòng chống lũ quét, sạt lở đất trên truyền hình, phát thanh và hướng dẫn, cung cấp tư liệu để các đài phát thanh, truyền hình, truyền thanh ở địa phương tổ chức truyền thông thường xuyên đến nhân dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc tu bổ, nâng cấp đê, duy tu bảo dưỡng chống xuống cấp hệ thống đê điều đảm bảo chất lượng, kịp thời đưa công trình vào chống lũ năm 2019; Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi quản lý, sử dụng cống dưới đê trong mùa lũ phải chấp hành nghiêm ngặt quy trình đóng, mở. Đối với những cống chưa có quy trình đóng, mở phải xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước mùa lũ, bão để áp dụng ngay trong năm 2019; Chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc việc tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm đê điều.
Chi cục thủy lợi tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng các cống dưới đê để có biện pháp xử lý kịp thời; đối với những cống xung yếu phải có phương án bảo vệ cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền để giao nhiệm vụ bảo vệ cống; đối với những cống không đảm bảo an toàn phải hoành triệt trước mùa lũ, bão năm 2019 và cần chủ động lập phương án tưới (hoặc tiêu) hỗ trợ để giảm bớt mức độ ảnh hưởng do việc hoành triệt cống.
Phó bi thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm và tặng quà các nạn nhân
Để đảm bảo an toàn và kịp thời xử lý các sự cố về đê, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đã yêu cầu các hạt, trạm tăng cường bám tuyến, thường xuyên kiểm tra, quan trắc theo dõi diễn biến dòng chảy của từng đoạn đê, kè, cống; đánh giá sát, đúng hiện trạng công trình đê, kè, cống; phát hiện kịp thời hư hỏng để có biện pháp xử lý, đảm bảo an toàn cho công trình, đồng thời tổ chức quan trắc, theo dõi, cập nhật hồ sơ quản lý.
Ứng phó trước các đợt mưa bão, úng ngập các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND và UBND, MTTQ và các ngành, đoàn thể của TP. Hà Nội thường xuyên, liên tục xuống tận cơ sở để trực tiếp chỉ đạo thực hiện các biện pháp tiêu thoát úng ngập, hỗ trợ, ứng cứu các gia đình khó khăn khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất và ổn định đời sống nhân dân. Huy động tối đa nguồn lực, cơ sở vật chất, lực lượng cán bộ… thực hiện mọi biện pháp trong điều kiện của Thành phố trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương cao độ nên đã hạn chế được tối đa các thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và của nhân dân, không để xảy ra mất an toàn công trình đê điều, không để xảy ra dịch bệnh, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, sản xuất kinh doanh sớm trở lại hoạt động bình thường.
Theo đó, đến nay, các công trình được phê duyệt đều được triển khai thực hiện kịp thời, đảm bảo tiến độ và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu bảo vệ mùa màng, dân sinh, kinh tế trong vùng. Đặc biệt là trong quá trình sử dụng, các công trình đều có độ an toàn cao, không xảy ra sự cố do chất lượng trong thi công gây ra.
Phát huy thành quả đã đạt được trong năm 2019, thời gian tới, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội sẽ tiếp tục củng cố, xây dựng và phát triển đơn vị vững mạnh về mọi mặt, nâng cao chất lượng quản lý đê điều; phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, không để xảy ra tồn đọng.