Chiều 4/3, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội họp phiên thứ 96 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo.
Tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống dịch
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, mặc dù dịch bệnh tại Hà Nội đã được kiểm soát tuy nhiên nguy cơ vẫn ở mức cao bởi dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, các chuyên gia vẫn nhập cảnh vào Việt Nam, hoạt động nhập cảnh trái phép còn diễn ra tại một số địa phương.
Tại Việt Nam, vẫn ghi nhận thêm ca mắc mới và từ 0h ngày 3/3 tỉnh Hải Dương đã kết thúc thực hiện Chỉ thị 16 nên người dân có thể đi đến các tỉnh thành khác và có thể có nguy cơ khi những người này có mang mầm bệnh mà không có triệu chứng.
Các trường đại học, cao đẳng mở cửa trở lại, sinh viên các tỉnh sẽ trở lại thủ đô học tập nhiều hơn trong đó có thể có những trường hợp đến từ các tỉnh thành có dịch.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà phân tích, dịch bệnh giảm mạnh tuy nhiên dù có triển khai tiêm vắc xin thì vẫn phải kiên định các biện pháp phòng chống dịch, ít nhất là đến hết năm 2021.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh - Phó Trưởng Ban chỉ đạo cho biết, tại Hà Nội, từ ngày 16/2 đến nay (17 ngày) không ghi nhận ca mắc mới.
Hiện nay toàn bộ 18 địa điểm liên quan tới các ca mắc tại Hà Nội đã kết thúc phong tỏa. Mặc dù dịch bệnh trên địa bàn TP đã được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ đối với TP vẫn ở mức cao.
Vì vậy các đơn vị song song với việc phát triển kinh tế thì cần phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, UBND TP.
Các đơn vị phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, để người dân biết các biện pháp phòng chống dịch bệnh và phối hợp thực hiện. Chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai việc tiêm vaccine theo kế hoạch và chỉ đạo của Bộ Y tế. Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế trên địa bàn để thực hiện rà soát, thống kê đối tượng tiêm vắc xin Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các cơ sở tôn giáo, di tích hoạt động trở lại từ ngày 8/3 nếu đảm bảo yêu cầu
Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng điểm lại những nguy cơ dịch bệnh có thể quay trở lại Hà Nội. Ông Dũng lưu ý: "Sắp tới các hoạt động được nới lỏng, việc giãn cách được hạn chế, khoảng 750.000 học sinh, sinh viên quay trở lại học tập, sinh sống... Vì vậy không được chủ quan lơ là".
Phó Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh cần quán triệt thực hiện các chỉ đạo của TƯ, TP, đặc biệt siết chặt kiểm tra xử phạt, bởi nếu có ca mới thì thành phố lại quay trở lại giãn cách.
Ông đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch với phương châm "thường xuyên, liên tục, lâu dài, ngay cả khi có vắc xin".
Các địa phương kiểm soát, giám sát y tế chặt chẽ tại nhà với các trường hợp từ 4 địa phương của Hải Dương gồm: TP Hải Dương, Kim Môn, Kim Thành, Cẩm Giàng về Hà Nội.
Thực hiện nghiêm việc khai báo qua phần mềm QR Code tại các cơ quan, công sở, nhà hàng, dịch vụ, cơ sở giao dịch... từ Trung ương đến địa phương của Hà Nội. "Đây là hình thức nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, đơn giản và hiệu quả, nếu có dịch truy vết sẽ nhanh hơn. Yêu cầu hết ngày mai 5/3 hoàn thành triển khai việc khai báo QR Code", ông Dũng đánh giá.
Nếu đảm bảo các yêu cầu thì xem xét mở lại các di tích, cơ sở tôn giáo từ 8/3. TP giao Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, Trưởng ban tôn giáo TP và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long căn cứ tình hình dịch bệnh và các điều kiện chủ động quyết định thời gian mở lại các di tích đón khách, tuyệt đối không tổ chức lễ hội.
Với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cần tổ chức phù hợp về quy mô, khuyến khích tổ chức dưới hình thức online trực tuyến,...đảm bảo tôn nghiêm và quy định phòng chống dịch.
Cùng với đó theo phân cấp quản lý, Chủ tịch UBND địa phương chịu trách nhiệm trước TP. Riêng với di tích chùa Hương, ông Dũng đề nghị cần có hướng dẫn riêng.
Theo Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội, khi học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp đi học trở lại, nhà trường phải tổ chức khử khuẩn; yêu cầu khai báo y tế, nắm bắt chắc số lượng học sinh, sinh viên quay trở lại từ các vùng dịch để phục vụ giám sát dịch tễ tại cộng đồng; học sinh đến trường phải đeo khẩu trang và được giám sát, kiểm tra thân nhiệt thường xuyên theo quy định.
Chủ động xây dựng kịch bản chi tiết tại nhà trường, cơ sở giáo dục khi học sinh, học viên, sinh viên đi học trở lại, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.