Bất chấp việc bị xử phạt, nhiều người dân vẫn vi phạm các lỗi như đi sang đường khi chưa có tín hiệu đèn giao thông dành cho người đi bộ, đi không đúng vạch kẻ đường, đi dưới lòng đường...
Theo quy định, từ ngày 1/2, người đi bộ sai quy định sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, trong những ngày gần đây, trên một loạt các tuyến phố, tuyến đường của Thủ đô Hà Nội người đi bộ thản nhiên vi phạm luật nhưng không hề bị các tổ, các chốt Cảnh sát giao thông xử lý.
Tại nhiều tuyến đường như Phạm Hùng (khu vực cổng Bến xe Mỹ Đình), Phố Chùa Bộc (khu vực cầu vượt bộ hành gần Học viện Ngân hàng), hay trên tuyến đường Trường Chinh, Nguyễn Trãi nhiều người vẫn thản nhiên bỏ qua các cầu vượt và hầm đường bộ để di chuyển ngay dưới lòng đường gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.
Đặc biệt là những tuyến phố tại quận Hoàn Kiếm, việc người đi bộ dưới lòng đường là “không đếm hết”. Mặc dù vậy, việc xử phạt người bộ hành vi phạm luật giao thông vẫn là một nhiệm vụ nan giải bởi phần lớn diện tích vỉa hè trên tuyến, đặc biệt vào buổi tối, từ lâu dường như đã là "của riêng" của các hộ kinh doanh mặt phố.
Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp người đi bộ vi phạm giao thông ở bất kỳ tuyến đường, tuyến phố nào trên cả nước, kể cả trên đường cao tốc. Phần lớn người dân chưa nắm rõ về quy định pháp luật dành cho người đi bộ.
Để sang đường nhanh hơn, người đi bộ thường xuyên có hành vi vi phạm TTATGT như: đi sang đường khi chưa có tín hiệu đèn giao thông dành cho người đi bộ, đi không đúng vạch kẻ đường, đi dưới lòng đường... nhất là tại các tuyến đường xung quanh trường học, bệnh viện, bến xe... tình trạng này diễn ra phổ biến, từ người già, trung niên, đến học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, khi bị xử lý vi phạm hành chính, nhiều người thường không mang theo giấy tờ tùy thân, gây khó khăn trong việc xác minh và xử phạt. Một nguyên nhân nữa là hệ thống vỉa hè dành cho người đi bộ chưa được quy hoạch, bố trí hợp lý, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh xảy ra thường xuyên, kết cấu hạ tầng giao thông có nơi chưa đầy đủ, đồng bộ như vạch sơn, đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường…
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội, trong năm 2015, toàn thành phố xảy ra 1.696 vụ tai nạn giao thông trong đó, số vụ tai nạn liên quan đến người đi bộ xảy ra 112 vụ chiếm 6,6%, cụ thể số vụ tai nạn giao thông do người đi bộ trực tiếp gây ra là 33 vụ.
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT (CATP Hà Nội) cho biết, để đảm bảo an toàn giao thông, lực lượng CSGT sẽ kiên quyết xử phạt đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Trong trường hợp người đi bộ vi phạm mà không có giấy tờ tùy thân hay tiền nộp phạt thì sẽ bị đưa về Công an phường làm rõ lai lịch và lập biên bản theo quy định. Cơ quan Công an sẽ yêu cầu người vi phạm làm kiểm điểm, tuyên truyền giáo dục nhắc nhở.
Theo nghị định 171, người đi bộ vi phạm sẽ bị nhắc nhở, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 - 60.000 đồng đối với các hành vi: đi không đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông. Phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng đối với người đi bộ có hành vi mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn; đu bám vào phương tiên giao thông đang chạy. Phạt tiền từ 80.000 - 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc (trừ trường hợp là người phục vụ quản lý, duy trì đường cao tốc). |
Những hình ảnh PV ghi lại việc người đi bộ thản nhiên vi phạm luật trên nhiều tuyến phố Hà Nội:
Mặc dù đã triển khai việc xử lý người đi bộ vi phạm luật Giao thông đường bộ từ ngày 1/2, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn vi phạm các lỗi như đi sang đường khi chưa có tín hiệu đèn giao thông dành cho người đi bộ, đi không đúng vạch kẻ đường, đi dưới lòng đường...
Tình trạng người đi bộ vi phạm giao thông diễn ra phổ biến, từ người già, trung niên, đến học sinh, sinh viên
Thản nhiên đi bộ ngược chiều và sẵn sàng trèo qua dải phân cách để "tiết kiệm thời gian"
Tại khu vực Ngã tư sở, mặc dù có hệ thống hầm đường bộ hiện đại nhưng nhiều người vẫn lựa chọn sang đường bằng cách băng qua mặt đường
Ngay cả những nơi có cầu dành riêng cho người đi bộ, không ít người vẫn sang đường sai quy định như một thói quen thường ngày
Tuyến đường đông đúc ô tô và phương tiện chạy với tốc độ cao nhưng nhiều người vẫn bất chấp đi ngược chiều và đi dưới lòng đường
Để tiết kiệm thời gian, nhiều người không màng để ý đến những hậu quả khôn lường vì hành động của mình.