Với con số 27.000 ca mắc, các chuyên gia y tế cho rằng, Hà Nội đang ở đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết, dù bệnh này vẫn chưa vào mùa.
Tính đến ngày 11/9, Hà Nội ghi nhận 26.784 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 7 ca tử vong. Trong tuần (từ ngày 4 - 10/9), trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.325 trường hợp mắc SXH (giảm 1.230 trường hợp so với tuần cao điểm).
Hiện số bệnh nhân đã khỏi là 24.857 trường hợp (chiếm 92,8%). Số ổ dịch đã được khống chế là 3.515 (chiếm 89,7%).
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng hiện nay, tình hình dịch bệnh SXH đang có diễn biến phức tạp. Trên cả nước đã ghi nhận gần 117.000 trường hợp mắc (tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó có 29 ca tử vong.
Theo báo cáo của các sở ngành thành phố Hà Nội, tính đến những ngày đầu tháng 9/2017, tình hình dịch SXH tại Thủ đô bước đầu được kiểm soát. Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phòng chống dịch; tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức; 100% xã, phường đã thành lập đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch và tổ giám sát phòng chống dịch SXH với tổng số có 26.038 đội xung kích, 63.119 người tham gia.
Cán bộ tới tận nhà phun thuốc diệt muỗi, nhiều hộ dân
Mặc dù số ca mắc SXH, số ổ dịch SXH có xu hướng giảm, tuy nhiên ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, đây mới chỉ là kết quả ban đầu. Thời gian tới dịch SXH vẫn còn diễn biến phức tạp do thời tiết nắng mưa thất thường, thuận lợi để muỗi phát triển. Đáng lo ngại, một bộ phận người dân chủ quan, xem thường bệnh SXH, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, thiếu hợp tác trong việc phun hóa chất; môi trường tại các khu nhà trọ chưa tốt, tiềm ẩn nguy cơ dịch SXH bùng phát…
Tại Hà Nội, trong quá trình phun hóa chất, chỉ có một nửa số hộ gia đình đồng ý phun toàn bộ nhà và như vậy việc diệt muỗi sẽ không hiệu quả. Thậm chí có những hộ dân còn không đồng ý phun trong nhà nhưng lại yêu cầu phun ngoài vườn.
Đến nay, các lực lượng chức năng đã phun thuốc diệt muỗi được 86,7% số hộ gia đình, tuy nhiên vẫn còn 13,4% hộ gia đình không phun. "Đây là điều khiến cộng đồng vô cùng lo lắng bởi chính những hộ gia đình không đồng ý cho phun thuốc sẽ là nơi phán tán dịch", ông Hiền cho hay.
Cũng theo ông Hiền, 10 năm nay SXH vẫn lưu hành ở Hà Nội. Năm 2009, Hà Nội có trên 9.000 ca mắc SXH và 4 ca tử vong; năm 2015 có trên 15.000 ca mắc và không có tử vong; các năm còn lại có 6.000-7.000 ca mắc SXH. Năm 2017, số người mắc SXH nhiều khả năng còn tăng cao, bởi theo báo cáo của Sở Y tế thì thời điểm này vẫn chưa là đỉnh dịch, trong khi đó diễn biến thời tiết còn hết sức phức tạp cộng với việc Thủ đô có tới 1,8 triệu học sinh các cấp với hơn 1 triệu học sinh cao đẳng, ĐH đã chính thức bước vào năm học.
TS Trần Như Dương - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW khuyến cáo, Hà Nội vẫn có nguy cơ bùng phát mạnh dịch SXH do thời tiết hiện rất thuận lợi cho muỗi sinh sản và bọ gậy phát triển. Mật độ muỗi có xu hướng tăng trở lại sau khi thực hiện chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi và tổ chức tìm diệt bọ gậy.
Ông Dương cho biết, thuốc phun diệt muỗi vằn chỉ có tác dụng tức thời (trong khoảng 60-120 phút) với muỗi trưởng thành và hoàn toàn không diệt được trứng của chúng. Trong khi đó, trứng muỗi vằn thường bám lại trên thành vật dụng trữ nước và có sức sống dai dẳng. Chúng có thể sống qua mùa đông, đến khi gặp điều kiện nước sạch vào năm sau lại nảy nở và nở làm năm đợt chứ không cùng lúc. Đó là lý do vì sao các cơ quan chức năng cần tuyên truyền để mọi người dân thường xuyên có ý thức xử lý, triệt tiêu điều kiện sinh sôi của lăng quăng, bọ gậy.
Cũng theo báo cáo, trong tuần qua, Hà Nội đã ghi nhận 2 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn ở phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) và ở xã Tản Hồng (huyện Ba Vì). Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 13 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 2 trường hợp tử vong. |