Kinh tế

Hà Nam đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại 11 khu vực mỏ trong tháng 5/2025

Quang Minh 16/04/2025 - 09:09

Phiên đấu giá dự kiến diễn ra trong tháng 5/2025 tại Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam, theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp, nhiều vòng tại phiên đấu giá.

img_8826.jpeg
Dự kiến 11 mỏ đá sẽ được tỉnh Hà Nam đấu giá trong tháng 5/2025 này. Ảnh: Q.M.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hà Nam vừa công bố kế hoạch tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 11 khu vực mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện Thanh Liêm.

Phiên đấu giá dự kiến diễn ra trong tháng 5/2025 tại Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam, theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp, nhiều vòng tại phiên đấu giá.

Theo thông tin từ Sở, tổng diện tích của 11 khu vực mỏ lên tới 139,13 ha.

Cụ thể, gồm 2 mỏ đá tại thung Lỗ Sâu (xã Thanh Thủy và xã Thanh Tân) với diện tích 21,1 ha; 3 mỏ đá T14 tại thung Hóp và thung Cổ Chày (xã Thanh Thủy) diện tích 47 ha; mỏ đá thung Dược (xã Thanh Thủy) 12,3 ha; mỏ đá, đất làm vật liệu san lấp T43.1 đồi Cửa Rừng (xã Thanh Nghị) 8 ha; 2 mỏ đá vôi T14 tại thung Lỗ Gió (xã Thanh Thủy) 30,5 ha; mỏ đá thung Dầu (xã Thanh Tân) 13 ha và mỏ đá T25 núi Nam Công (xã Thanh Tân) diện tích 7,23 ha.

Đây là các khu vực chưa được thăm dò khoáng sản. Do đó, sau khi trúng đấu giá, nhà đầu tư có trách nhiệm lập hồ sơ xin cấp giấy phép thăm dò theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật Khoáng sản hoặc khoản 1 Điều 49 Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016.

Việc thăm dò, đánh giá trữ lượng sẽ là căn cứ để tính tiền trúng đấu giá, trên cơ sở kết quả được UBND tỉnh phê duyệt.

Sau khi có kết quả thăm dò, nhà đầu tư phải lập hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản, gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường thẩm định và trình UBND tỉnh cấp phép theo đúng quy định pháp luật.

Đáng chú ý, việc triển khai dự án khai thác chỉ được tiến hành sau khi nhà đầu tư thực hiện đầy đủ quy trình tham vấn cộng đồng tại địa phương nơi có mỏ.

Theo yêu cầu, cần có sự đồng thuận của trên 50% người dân và cá nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án, cùng với sự thống nhất 100% từ chính quyền địa phương sở tại.

Đối với các mỏ có rừng tự nhiên ngoài quy hoạch, sau khi trúng đấu giá, tổ chức trúng thầu cần phối hợp với các phòng chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường để rà soát và thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đồng thời đảm bảo trồng rừng thay thế theo quy định hiện hành.

Việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản được kỳ vọng sẽ tăng tính minh bạch, cạnh tranh trong quản lý tài nguyên, đồng thời tạo động lực thu hút đầu tư vào lĩnh vực khai thác khoáng sản tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nam đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại 11 khu vực mỏ trong tháng 5/2025