Cơn giông xảy ra vào ngày 17/4 trên địa bàn các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình và Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang đã gây thiệt hại đến nhà ở, hoa màu, tài sản của nhân dân. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 5,5 tỷ đồng.
Trong những ngày qua, huyện Mèo Vạc đã tập trung cao độ cho công tác khắc phục hậu quả, sớm để nhân dân ổn định cuộc sống. Tại xã Giàng Chu Phìn, gió lốc đã gây ảnh hưởng làm tốc mái nhà 16 hộ dân thuộc một số thôn bản. Sau khi mưa gió đi qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo lực lượng, huy động nhân lực, vật lực để khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ” để giúp các hộ dọn dẹp nhà cửa cũng như những vật cản trở giao thông, đảm bảo cho bà con đi lại. Đối với các hộ bị tốc mái nhẹ huy động hàng xóm giúp đỡ, tu sửa lại nhà cửa. Ông Trần Đình Đồng, Chủ tịch UBND xã Giàng Chu Phìn cho biết: Mặc dù là ngày nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương, xong chính quyền yêu cầu cán bộ xã xuống địa bàn mình phụ trách cùng đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai. Với các hộ ở xa trung tâm xã, chính quyền sẽ ưu tiên đến giúp đỡ trước.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, tính đến chiều ngày 18/4, thống kê chưa đầy đủ trận mưa to, kèm gió lốc xảy ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn, nhất là đối với các xã Khâu Vai, Giàng Chu Phìn, Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ, Niêm Sơn, Niêm Tòng, Tát Ngà... đã làm ảnh hưởng đến hơn 300 ngôi nhà của trên 300 hộ dân; 13 công trình phúc lợi, điểm trường, nhà văn hóa thôn, trạm y tế, cột điện đổ gẫy... UBND huyện Mèo Vạc đã yêu cầu các địa phương tập trung nhân lực xuống cơ sở kiểm tra, thống kê thiệt hại về nhà cửa cũng như hoa màu. Khẩn trương huy động toàn bộ lực lượng tiến hành công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Đối với Điện lực khu vực Đồng Văn – Mèo Vạc thực hiện công tác khắc phục hệ thống cột điện cũng như đường dây bị ảnh hưởng. Các đơn vị nhà trường, trạm y tế chủ động mua vật liệu để lập lại hệ thống mái bị tốc, ổn định phong trào giảng, dạy. Các hộ dân chủ động mua tấm lợp, với những hộ đặc biệt khó khăn có chủ trương cung ứng hỗ trợ kịp thời số Proximang để các hộ lợp lại mái, sớm ổn định cuộc sống. Ngoài ra, cần có phương án rà soát lại các công trình phúc lợi có nguy cơ đổ sập tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
Ông Tề Văn Lâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mèo Vạc cho biết: Đến nay, ngoài việc chỉ đạo khắc phục hậu quả, huyện Mèo Vạc cũng yêu cầu các xã, thị trấn theo dõi sát sao tình hình diễn biến thời tiết; gia cố, chằng chống nhà cửa, đề phòng tiếp tục có mưa bão. Tăng cường công tác tuyên truyền và các biện pháp phòng chống, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão cho bà con nhân dân để tránh xảy ra thiệt hại nặng về tài sản và nguy hiểm đến tính mạng. Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, nhân lực, vật lực; có lực lượng thường trực đảm bảo ứng cứu khi xảy ra sự cố do thiên tai gây ra.
Theo báo cáo sơ bộ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, giông lốc làm gần 900 ngôi nhà bị ảnh hưởng. Cụ thể: Mưa lớn đã làm anh Đặng Giào Hin, thôn Thượng Bình, xã Tiên Nguyên (Quang Bình) bị gãy chân do cây đổ vào người. Tại các địa phương như huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình có tổng số 20 nhà ở của các hộ dân bị tốc mái, hư hỏng mái hoàn toàn; 50 nhà ở bị tốc mái, hư hỏng mái từ 70 - 90%; 520 nhà ở bị tốc mái, hư hỏng mái từ 30 - 70% và 58 nhà ở bị hư hỏng mái từ 10 - 30%. Riêng huyện Vị Xuyên có trên 120 nhà bị tốc mái, hiện đang xác minh phân loại. Mưa to kèm theo gió mạnh cũng đã làm 1.116 ha diện tích lúa, ngô, hoa màu của các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Xín Mần bị thiệt hại trên 70% và nhiều diện tích cây lâm nghiệp cũng bị gãy, đổ.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện có thiệt hại đã trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo, huy động lực lượng khẩn trương hỗ trợ nhân dân khắc phục nhà cửa, cây trồng, vật nuôi để ổn định cuộc sống và sản xuất. Đồng thời, các huyện tiếp tục kiểm tra, xác minh, thống kê thiệt hại, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo quy định và theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, diễn biến của thời tiết, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” khi có mưa gió xảy ra.
Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện đã huy động lực lượng công an, quân sự xuống địa bàn hỗ trợ cho các hộ dân di dời tài sản và triển khai các biện pháp khẩn cấp để hạn chế thiệt hại do giông lốc gây ra. Huy động các nguồn lực hỗ trợ cho các hộ dân bị sập nhà, tốc mái được che chắn an toàn, sớm ổn định cuộc sống. Tính đến thời điểm này, công tác khắc phục hậu quả do giông lốc gây ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã cơ bản hoàn thành.