Môi trường

Hà Giang: Chủ động phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả do thiên tai

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang liên tiếp xảy ra các loại hình thiên tai phức tạp. Bên cạnh công tác khắc phục hậu quả thiên tai, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch, các phương án phòng, chống cụ thể, thiết thực phù hợp với thực tế địa phương nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh năm 2023.

lu-quet-0.jpg
Mưa lớn rạng sáng ngày 5/7 gây sạt lở khiến 4 người thương vong tại Hoàng Su Phì (Hà Giang).

Khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra nhiều đợt mưa lớn gây tốc mái nhiều hộ gia đình, ngập úng trên diện rộng khiến hoa màu bị ảnh hưởng nặng nề, sét đánh chết nhiều gia súc. 

Mới đây, trận mưa lớn từ ngày 4-5/7 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã gây sạt lở đất khiến hai người tử vong và ba người bị thương. Nhiều ngôi nhà bị sập, hư hỏng nặng, nhiều tuyến đường tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên bị sạt lở với hàng trăm vị trí, hàng nghìn m3 đất đá tràn xuống mặt đường. 

Đặc biệt, tuyến tỉnh lộ 177 Bắc Quang - Hoàng Su Phì bị sạt taluy dương gây ách tắc giao thông tại một số điểm. Cầu treo bắc qua sông Chảy đoạn qua địa phận xã Pờ Ly Ngài (huyện Hoàng Su Phì) bị hư hỏng nặng. Hàng chục hecta hoa màu bị thiệt hại và hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết… Ước tính tổng thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả, cứu trợ nạn nhân; giúp các gia đình dọn dẹp nhà cửa, ổn định chỗ ở.

Đặc biệt, các lực lượng chức năng chốt giữ tại các vị trí xung yếu, tuyên truyền cho nhân dân không đi vào khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, vận động, giúp đỡ bà con trong vùng nguy hiểm di dời đến nơi an toàn.

Tập trung khôi phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước, y tế, giáo dục để phục vụ sinh hoạt cho người dân. Nhanh chóng khắc phục các sự cố trên các tuyến quốc lộ, hỗ trợ địa phương khắc phục các điểm bị sạt lở, ách tắc trên các trục giao thông chính nhằm đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt.

lu-quet-3.jpg
Hỗ trợ người dân khắc phục các hậu quả do thiên tai.

Chủ động trước thiên tai

Để chủ động ứng phó với thiên tai, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2030.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản cho người dân, bảo vệ những thành quả phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, hướng đến phát triển bền vững.

Tỉnh đã triển khai thực hiện các phương án phòng, chống lũ lụt, sạt lở, bão lốc; rà soát các khu dân cư đang sống dọc ven sông, ven suối, vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ sạt lở; sơ tán nhân dân, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của dân; thông báo tình hình mưa lũ, ngập lụt để người dân chủ động ứng phó.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, bão lũ. Rà soát, bổ sung thêm các phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu để phục hồi sản xuất; thực hiện các hoạt động tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường sau thiên tai… giảm mức thấp nhất về thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Giang: Chủ động phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả do thiên tai