Nếu như năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh Hà Giang đạt 41,147 điểm, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố thì năm 2023 tăng 3,1 điểm và 29 bậc, vươn lên xếp thứ 11 trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố.
Theo đó, Ngày 2.4, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội nghị công bố chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2023 của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kết quả, chỉ số PAPI của tỉnh ta có bước tiến vượt bậc so với năm 2022, từ nhóm trung bình thấp vươn lên nhóm trung bình cao của cả nước và xếp thứ 4 trong 14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc.
Nếu như năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh Hà Giang đạt đạt 41,147 điểm, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố thì năm 2023 tăng 3,1 điểm và 29 bậc, vươn lên xếp thứ 11 trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố.
Chỉ số PAPI đã trở thành công cụ phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Kết quả trên là cơ sở để tỉnh ta tiếp tục cải thiện, thăng hạng bền vững chỉ số PAPI nhằm góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, liêm chính, kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.
Năm 2023, với nhiều giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng; góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tạo động lực mạnh mẽ phát triển bền vững KT – XH.
Thể hiện quyết tâm, quyết liệt ngay từ đầu năm, UBND tỉnh chủ động chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ và xây dựng báo cáo phân tích, ban hành kế hoạch cải thiện, nâng cao các chỉ số CCHC. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai nâng cao chỉ số PAPI và 7 bộ chỉ số về CCHC gắn với chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm thực thi công vụ. Triển khai các nội dung về chuyển đổi số theo thỏa thuận ký kết giữa UBND tỉnh với các tập đoàn. Thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và nhiều văn bản quy phạm, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai CCHC phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, toàn tỉnh tiếp tục xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số là giải pháp trọng tâm, đột phá nhằm chuyển đổi môi trường, phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước, tạo công khai, minh bạch và cắt giảm chi phí.
Với nguyên tắc: “Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Năm 2023 rà soát, đơn giản hóa rút ngắn 30% thời gian giải quyết với 267 TTHC, xây dựng quy trình liên thông giải quyết 555 TTHC; cung cấp 1.818 dịch vụ công trực tuyến, đạt 96,9%. Đồng thời, tăng cường tái cấu trúc quy trình 14 dịch vụ công thiết yếu được Chính phủ giao. Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, đã tiếp nhận 163.909 hồ sơ, giải quyết trước hạn 78,8%, đúng hạn 18,9%. Đồng thời, hoàn thành chiến dịch 12 ngày đêm thực hiện cập nhật TTHC lên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC mới và kiểm thử cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia với kết quả cao. Kết quả đánh giá Bộ chỉ số năm 2023 trích xuất trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Hà Giang đạt 76,90 điểm, xếp loại Khá, vươn lên vị trí thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2022.
Không ngừng xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, công tác ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng được quan tâm thực hiện. Các đơn vị đều tổ chức sử dụng đồng bộ hệ thống quản lý văn bản và điều hành iOffice trong công tác quản lý, điều hành công việc nội bộ, ký số và phát hành văn bản điện tử. Toàn tỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; tập trung thực hiện 17 nhiệm vụ tại Đề án số 06 của Chính phủ. Thực hiện dịch vụ công thiết yếu đối với 100% TTHC theo hình thức trực tuyến toàn trình; tiếp nhận, hướng dẫn đăng ký 583.888 tài khoản định danh điện tử, đạt 89,5%.
Tăng cường cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, công chức, công tác rà soát vị trí chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức, biên chế được triển khai tích cực. Qua rà soát đề án vị trí việc làm kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định hiện hành; công tác quản lý biên chế bảo đảm chặt chẽ theo quy định. Song song với đó, toàn tỉnh tiếp tục tăng cường cải cách tài chính công, công tác quản lý tài chính - ngân sách được quan tâm, chỉ đạo thực hiện theo hướng đồng bộ, toàn diện, từng bước nâng cao kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả phân phối và sử dụng hợp lý các nguồn lực tài chính. Năm 2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.295 tỷ đồng, bằng 101,3% kế hoạch T.Ư giao; thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt 91,28% kế hoạch…
Với nhiều giải pháp, chỉ đạo kịp thời đã phản ánh quyết tâm chính trị của tỉnh nhằm tạo đột phá, hướng đến CCHC thực chất, hiệu quả, phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tốt hơn. Thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, nâng cao tỷ lệ, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng lấy người dùng làm trung tâm; tập trung rà soát, tái cấu trúc quy trình, tăng cường phân cấp, ủy quyền, gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý trong thực hiện TTHC…