Mặc dù dùng lợn để làm vật tế lễ hoặc tôn vinh không đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người, song chém giết là hành vi bạo lực đáng lên án...", GS.TS. Đặng Nguyên Anh nhận định.
Những ngày qua, dư luận dậy sóng với những hình ảnh được cắt từ đoạn băng của Lễ hội làng Ném Thượng xã Khắc Niệm (Tiên Du, Bắc Ninh) do Tổ chức Động vật châu Á công bố, kèm theo đề nghị chấm dứt lễ hội này.
Hiện có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh lễ hội chém lợn. Một số chuyên gia văn hóa thì cho rằng đây là bản sắc địa phương, là văn hóa, không thể bỏ. Dân làng Ném Thượng cũng cho đây là lễ hội truyền thống, không thể bỏ. Còn nhiều người thì cho là một "lễ hội man rợ" cần phải chấm dứt…
PV Báo điện tử Công lý đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Đặng Nguyên Anh - Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xung quanh lễ hội này dưới góc độ xã hội.
GS.TS. Đặng Nguyên Anh - Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
PV: Thưa Giáo sư, ông nhìn nhận thế nào về lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) nói riêng và các lễ hội như chọi trâu Đồ Sơn hay đấu bò tót ở Tây Ban Nha?
GS.TS. Đặng Nguyên Anh: Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng là một tục lệ địa phương, và cũng gần giống với chọi trâu ở Đồ Sơn. Các hoạt động này có tính tập thể khá cao, cuốn hút sự hiếu kỳ của người tham gia, với mong muốn đem lại niềm vui và may mắn cho cộng đồng.
PV: Hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh lễ hội này: một số chuyên gia văn hóa thì cho rằng đây là bản sắc địa phương, là văn hóa, không thể bỏ; dân làng Ném Thượng cũng cho đây là lễ hội truyền thống, không thể bỏ; còn nhiều người thì cho là một lễ hội man rợ cần phải chấm dứt… Dưới góc độ là một nhà nghiên cứu xã hội, quan điểm của ông là gì?
GS.TS. Đặng Nguyên Anh: Cần phân biệt giữa văn hóa, lễ hội và hủ tục. Cái gì là hủ tục thì nên loại bỏ.
Trước đây, có địa phương coi hủ tục dùng người sống để tế lễ hay chôn sống cũng với mong muốn các thần linh sẽ bảo vệ dân lành. Nhưng về sau, hủ tục này đã bị bãi bỏ vì lý do xâm phạm đến tính mạng của con người.
Mặc dù dùng lợn để làm vật tế lễ hoặc tôn vinh không đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người, song chém giết là hành vi bạo lực đáng lên án, nhất là khi ngày nay khi việc bảo vệ động vật được người dân và thế giới quan tâm.
PV: Có ý kiến cho rằng lễ hội là “hiện tượng văn hóa làng” và lâu nay chỉ diễn ra trong phạm vi nội bộ của làng. Vậy ông nghĩ sao khi nó không còn là “nội bộ” nữa mà trở nên “phổ biến” trên các phương tiện thông tin đại chúng?
Ông có cho rằng hình ảnh chém đứt đôi con lợn trước “bàn dân thiên hạ” có gây tác động đến tâm lý người chứng kiến, đặc biệt là trẻ em hay không?
GS.TS. Đặng Nguyên Anh: Ở đây có lỗi một chút của báo chí, truyền thông. Việc đưa thông tin, hình ảnh thế nào để không gây nên phản cảm là cả một nghệ thuật chứ không đơn thuần là chụp ảnh, bình luận, rồi đưa tin. Đó là chưa nói đến là có những bình luận ác ý và thiếu định hướng cho dư luận, gây ảnh hưởng không tốt đến nhiều người, chứ không chỉ trẻ em.
Tôi đã từng hỏi người dân, kể cả người già, thanh thiếu niên và trẻ em về cách hành xử này và tất cả đều không thích, thậm chí lên án và muốn từ bỏ hành động chém giết này. Con lợn có thể không phải là vật nuôi thân thiết với con người như chó, mèo, nhưng là vật nuôi cung cấp thực phẩm và dinh dưỡng cho con người, vậy sao lại hành xử với nó dã man như vậy?
Phải chăng trong tâm thức con người hôm nay, bạo lực và cái ác đang chiếm ưu thế? Liệu đã có những biện pháp gì để ngăn chặn những tội ác máu lạnh mà con người gây ra? Việc hành quyết con tin của tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng tuy bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ, song chưa được ngăn chặn hiệu quả như bạn đã biết.
Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng. Ảnh: Tổ chức Động vật châu Á
PV: Còn đối với khách du lịch, đặc biệt du khách quốc tế, ông cho rằng bạn bè nước ngoài sẽ có suy nghĩ như thế nào?
GS.TS. Đặng Nguyên Anh: Cá nhân tôi cho rằng khi nhìn thấy những hình ảnh như thế trong lễ hội chém lợn, du khách quốc tế có thể sẽ nghĩ chúng ta vẫn đang trong giai đoạn man di, mọi rợ, chưa phát triển và vì vậy vẫn sẽ chậm phát triển chăng? Đó là chưa kể một số cộng đồng tôn giáo cũng có thể phản ứng và nhìn nhận người Việt Nam như thế nào?
PV: Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết lễ hội này vẫn duy trì, nhưng thay vào đó là vận động người dân làng Ném Thượng chỉ thực hiện “thịt lợn” thay vì “chém lợn”. “Nghi lễ” được thực hiện phía “sau đình” và chỉ cho ít người xem, thay vì thực hiện giữa sân đình như trước.
GS.TS. Đặng Nguyên Anh: Không thể gọi đó là “nghi lễ” được. Nếu đã “thịt lợn” thì hãy chia số thịt này cho người nghèo, những gia đình không có đủ ăn trong những ngày Tết.
Nên chăng chuyển thành nghi lễ tôn vinh con lợn đã giúp con người có thực phẩm bằng cách khênh lợn đi quanh làng, thậm chí ai muốn lấy may thì xoa đầu nó…
Tôi cứ nghĩ đã đến lúc cần sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động liên quan đến tục lệ này.
PV: Từ lễ hội chém lợn có thể thấy, hiện có hai “phe” với hai quan điểm, ý kiến trái ngược nhau: một “phe” thì cho đó là bản sắc, là văn hóa, là việc làm tâm linh, lấy may mắn; còn một bên thì cho đó là lễ hội dã man, gây tâm lý sợ hãi. Làm sao để hài hòa được hai quan điểm, ý kiến này, thưa ông?
GS.TS. Đặng Nguyên Anh: Tục lệ này tuy đã có từ lâu nhưng đã có thời gian bị lãng quên, mới được khôi phục lại vài năm nay. Trong những năm bị lãng quên, người dân cũng có bị ảnh hưởng xấu đâu mà lại bảo đấy là lễ hội may mắn? Tất cả là do suy nghĩ và nhận thức của chúng ta.
Cần có cách nghĩ khác, hành động khác, cư xử khác chứ không thể sử dụng bạo lực dù là đối với một con vật để lấy “may” cho mình rồi bảo đây là nghi lễ không thể bỏ. Cần phải lựa chọn, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì loại bỏ chứ không nên lưu giữ mọi thứ.
Văn hóa là biết hướng tới cái đẹp, cái thiện chứ không phải là duy trì cái cũ, hủ tục mà lại gây ảnh hưởng tiêu cực và cái nhìn phản cảm của cộng đồng trong nước và quốc tế.
Xin cảm ơn ông!