Theo kết quả mà Kiểm toán Nhà nước vừa công bố báo cáo kiểm toán niên độ 2010, một số tổng công ty (TCT), tập đoàn (TĐ) nhà nước kinh doanh thua lỗ…
"Nhà đèn" liên tục kêu thiếu vốn và hiện số nợ của EVN lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Dư luận vẫn chờ đợi kết quả kiểm toán ở các TĐ, TCT lớn hơn như EVN, TKV hay Petrolimex trong niên độ kiểm toán 2011. Tuy nhiên, tại một số TĐ, TCT mặc dù tình hình tài chính tại công ty mẹ tốt song các đơn vị thành viên chưa đồng đều, có đơn vị hiệu quả kinh doanh cao, có đơn vị thua lỗ lớn như tại TCT Bưu chính Việt Nam thuộc TĐ Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 68 thuộc TCT Đầu tư & Phát triển nhà Hà Nội....
Bên cạnh đó, ở nhiều TĐ, TCT việc quản lý chi phí, giá thành còn nhiều hạn chế, hệ số huy động vốn cao, còn tiềm ẩn các yếu tố rủi ro... nên chưa phát huy tốt vai trò chủ đạo, đầu tàu của nền kinh tế, chưa tương xứng với những lợi thế và sự đầu tư của Nhà nước, “đe dọa” đến việc bảo toàn vốn (TCT Lắp máy Việt Nam lỗ 103 tỷ đồng, TCT Sông Hồng lỗ 20,6 tỷ đồng và TCT Bưu chính Việt Nam lỗ 1.026 tỷ đồng...); một số đơn vị chưa nộp kịp thời các khoản thuế vào ngân sách nhà nước.
Kết quả này là không quá bất ngờ và các chuyên gia đã chỉ ra những lỗ hổng, kẽ hở này. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, có 3 nội dung như sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được ưu ái quá nhiều từ tài nguyên, nguồn vốn tín dụng đầu tư, đất đai, thị trường… Vì vậy họ không biết quý trọng để sử dụng nó một cách hiệu quả. Thứ hai, hệ thống giám sát của Nhà nước đối với TĐ, TCT rất kém hiệu quả. Khi sự cố xảy ra khó chỉ ra được Bộ, ngành và cá nhân người đứng đầu nào chịu trách nhiệm chính và chịu trách nhiệm tới đâu. Vì vậy, họ ỉ lại vào ngành này, ngành kia, né tránh được trách nhiệm. Thứ ba, lỗ hổng ngay từ luật pháp khi hiện nay Nhà nước vẫn còn lấn cấn trong vai trò chủ sở hữu hay người quản lý trực tiếp DN. Đi sâu vào các TCT, TĐ, điều dễ nhận thấy là hiện nay hệ thống quản trị của các DNNN vẫn chưa rõ ràng vì thiếu hành lang pháp lý đầy đủ.
Hiện tượng ưu ái quá nhiều cho các TĐ, TCT biến độc quyền nhà nước thành độc quyền DN làm suy giảm khả năng cạnh tranh với DN đầu tư nước ngoài, lẫn tư nhân trong nước. Bằng độc quyền, đặc quyền thậm chí có TCT, TĐ né tránh cạnh tranh nên họ không có động lực gì để vươn ra cạnh tranh quốc tế. Hiện tượng Viettel, Viettinbank vẫn là hiếm hoi.
Chuyên gia Phạm Chi Lan nhìn nhận rằng động lực chính của các TĐ, TCT là chỉ cố gắng làm đẹp, làm hài lòng lãnh đạo trước mắt, chứ không lo lắm chuyện cạnh tranh trên thị trường. Nếu TĐ, TCT có kém, có thua lỗ, thất thoát thì đã có Nhà nước lo khoanh, giãn, xóa nợ.
Trong thông điệp nhậm chức, Thủ tướng vừa khẳng định mối quan tâm hàng đầu là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Vì vậy, đã đến lúc không thể nuông chiều ưu ái quá nhiều cho các DNNN, không nên để cho một thành phần kinh tế đứng trên hoàn toàn các thành phần kinh tế khác. Vai trò DNNN là rất cần thiết và quan trọng để phát triển nền kinh tế nhưng bản thân họ phải chấp nhận cạnh tranh theo các nguyên tắc của thị trường. Để họ lớn lên, phát triển và tự đứng trên đôi chân của mình mà không có gót chân Achilles, nhằm đặt DNNN đúng vị trí trong sự nghiệp CNH - HĐH.
Bảo Dân