Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được bàn thảo sâu sắc và kỹ lưỡng để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10, đặt ra nhiều vấn đề gốc rễ.
Hiện đang có tới 51 ngành nghề bị cấm kinh doanh. Nếu thống kê ở địa phương thì còn rất nhiều lĩnh vực bị cấm. Điều này khác với tinh thần của Hiến pháp: người dân được làm những gì mà luật pháp không cấm. Ngoài ra, việc khởi sự doanh nghiệp, hoạt động, thuế khóa cũng còn nhiều nội dung cần đổi mới, càng nhanh càng tốt.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi điều hành các đại biểu Quốc hội thảo luận sửa đổi hai luật này đã phải thốt lên rằng: Địa phương các “ông” ấy cấm khắp nơi đấy, ví dụ xi măng phải mua ở tỉnh, uống bia phải uống bia sản xuất trong tỉnh. Có nơi từng nêu phương châm: “Trăm năm trong cõi người ta/Uống bia Tỉnh ủy mới là đảng viên” .
Góp ý cụ thể hơn vào luật sửa đổi, các đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện ngành nghề kinh doanh nào cũng có điều kiện và các luật chuyên ngành, văn bản của chính quyền địa phương đều đã quy định rất chặt. Vì thế phải “quét hết” các điều kiện cấm, các quy định hạn chế kinh doanh ở các luật chuyên ngành khác, để quy định lại cho phù hợp. Cái gì cấm đoán, hạn chế bất hợp lý, phải bãi bỏ. Đại biểu Quốc hội đặc biệt lưu ý thực trạng đội ngũ cán bộ thi hành pháp luật đang dựa vào mấy chục điều cấm, mấy trăm ngành nghề lĩnh vực kinh doanh có điều kiện “để làm ăn”. Đây chính là điều mà các giám đốc doanh nghiệp gọi là “trên mở dưới đóng”. Một số đại biểu Quốc hội kiến nghị, để tháo gỡ khó khăn về môi trường kinh doanh hiện nay, nếu chỉ sửa luật, sẽ không giải quyết được. Các đại biểu Quốc hội nêu ra một đặc điểm cố hữu trong văn bản luật của ta là có các điều khoản quy định ai hiểu ra sao cũng được. Đây chính là lý do những người thực thi pháp luật trong bộ máy hành chính của ta có nhiều người làm việc thiếu công tâm, dùng quy định để làm lợi cho mình. Nếu chúng ta chỉ sửa luật này mà bộ máy con người vẫn như vậy thì không cải thiện được môi trường đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 10/9/2014
Mới đây khi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lưu ý, thực tế nhiều lúc, nhiều nơi không phải do thủ tục mà là do con người. Yêu cầu thay thế ngay những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc… Thủ tướng nhấn mạnh, cải cách không phải là bỏ vai trò quản lý nhà nước, mà là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đầu tư, kinh doanh. Cải cách là để hiện thực hóa tư tưởng của Hiến pháp là người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm; hiện thực hóa tinh thần Nhà nước kiến tạo phát triển, Nhà nước phục vụ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra về cải cách thể chế, cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính; tập trung rà soát và hoàn thiện thể chế, nhất là các luật, nghị định, thông tư theo hướng kiên quyết bãi bỏ, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, không phù hợp, gây khó khăn, chậm trễ, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; chỉ giữ lại những quy định, thủ tục mà Nhà nước nhất thiết phải giữ để bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng xã hội, tuy nhiên, những quy định và thủ tục này phải thông thoáng, rõ ràng, công khai, minh bạch, dễ thực hiện. Nếu sửa luật này mà bộ máy con người vẫn như vậy thì không cải thiện được môi trường đầu tư.
Người dân theo dõi chuyện sửa luật vừa mừng vừa lo, mà lo nhiều hơn mừng, bởi lẽ, sửa luật thế nào cũng xong và luật mới sẽ tốt hơn luật cũ. Còn lo là lo khâu thực hiện có tốt hay không, cán bộ không làm được việc có bị thay thế như Thủ tướng yêu cầu hay không?