Tại buổi họp của Hội đồng thẩm định Dự án Luật Thi hành án dân sự (THADS) cho ý kiến về Dự thảo Luật THADS vừa qua, ngoài các vấn đề lớn được sửa đổi, bổ sung … thì vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là về vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong THADS.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, giao cho Tòa án chỉ ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, còn các quyết định khác về THADS do cơ quan THADS thực hiện, Tòa án ra quyết định miễn, giảm thi hành án (THA); đình chỉ THA trong trường hợp đã kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm như hiện nay. Loại ý kiến này phù hợp với quan điểm lần này chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, Toà án ra các quyết định liên quan trực tiếp đến khởi động việc THA, làm dừng và thay đổi nội dung bản án, quyết định của Toà án (như THA hình sự), theo đó Tòa án phải ra 12 loại, với 17 quyết định về THADS (quyết định THA, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ, ủy thác, trả đơn yêu cầu THA...). Cơ quan THADS ra các quyết định về THA liên quan trực tiếp đến thủ tục tổ chức thi hành quyết định THA, trong đó cơ quan THADS ra 37 loại, với 40 quyết định về THA như: quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế v.v...
Theo Bộ Tư pháp, hai loại ý kiến trên đều bảo đảm sự gắn kết giữa giai đoạn xét xử và giai đoạn THA; tăng cường vai trò, trách nhiệm của Tòa án; tạo ra cơ chế để bảo đảm bản án, quyết định được ban hành có tính khả thi cao hơn; kịp thời khắc phục được những sai sót trong các bản án, quyết định đã tuyên...
Một buổi thi hành án dân sự
Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Thủy, loại ý kiến thứ hai sẽ làm phát sinh thêm các thủ tục mới liên quan đến Tòa án, cơ quan THADS và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động THA, phát sinh thêm bộ máy và nhân sự của Tòa án; đồng thời tăng thêm các thủ tục hành chính, kéo dài quá trình THA (thủ tục và thời gian sẽ tăng gấp đôi so với quy định hiện hành vì phát sinh quy trình từ Tòa án sang cơ quan THADS và ngược lại).
Từ đó cho thấy, để thực hiện theo loại ý kiến thứ hai đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật THADS và trong mối quan hệ đồng bộ với việc sửa đổi các luật khác về tổ chức TAND, tổ chức VKSND và các luật về tổ chức bộ máy khác cũng như sửa đổi các Bộ luật Tố tụng (Dân sự, Hình sự, Hành chính...). Từ phân tích trên, Bộ Tư pháp nhất trí với loại ý kiến thứ nhất.
Đồng tình cần tăng cường vai trò của Tòa án trong THADS, tuy nhiên nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho rằng, nếu theo phương án 2 (Tòa án ra 17 quyết định về THA) thực chất là chuyển giao THA cho Tòa án, như vậy sẽ kéo theo nhiều vấn đề phức tạp. Đồng tình với phương án 1 nhưng nguyên Thứ trưởng cho rằng còn nhiều vấn đề cần làm rõ hơn, nhất là việc giao cho Tòa ra quyết định làm sao không phải là phát sinh thêm một thủ tục hành chính.
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ nêu quan điểm: Tòa án chỉ nên ra một số quyết định về THA thể hiện sự kết nối, không nên ra quá nhiều quyết định dẫn đến tình trạng “Tòa án hóa hoạt động THA”, làm phát sinh thêm bộ máy, chi phí, vì nhiệm vụ chính của Tòa án là xét xử.
Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử- TANDTC, ngoài việc giao Tòa án ra quyết định đưa bản án ra thi hành, Tòa có thể ra một số quyết định khác liên quan trực tiếp và làm thay đổi phán quyết của Tòa như quyết định miễn giảm hay đình chỉ THA...
Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong Hội đồng thẩm định đề nghị nên giữ như quy định hiện nay (cơ quan THA ra các quyết định về THA). Kết luận, Thứ trưởng Lê Thành Long nhất trí với phương án Tòa án chỉ ra một quyết định THA (quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành).