Tôi nhận được giấy báo nhập trường đúng lúc bố qua đời, mẹ như gục ngã sau 40 năm mang trên mình gánh nặng cực khổ của gia đình. Mẹ nằm đó tím tái, câm lặng, chỉ đến khi biết tin tôi thi đỗ, mẹ mới vụt dậy như có một sức mạnh phi thường...
Cuộc đời mẹ tôi là cả những chuỗi ngày gian truân khó nhọc mà nếu là người phụ nữ bình thường, không phải ai cũng vượt qua được. Năm 1963, đang học những ngày cuối cấp 3, mẹ tôi xung phong đi bộ đội, trở thành chiến sĩ thông tin của Tiểu đoàn 4 F214 bộ đội cao xạ Quân khu 4 tại chiến trường Bình Trị Thiên.
Tháng 4/1965, trong một trận đụng độ giữa quân ta và địch, mẹ bị sức ép của bom phải nằm viện, trong khi đơn vị tiến sâu vào Nam. Lành vết thương, mẹ không chịu về tuyến sau, mà ra nhập vào đơn vị Thanh niên xung phong XK 301 - N65 - P27. Tháng 1/1969, do lập được nhiều chiến công, mẹ được đơn vị cử đi học tại Khoa Kiến trúc, Trường Trung cấp Xây dựng Thanh Hoá. Sau 3 năm, mẹ ra trường, nhận công tác tại Nhà máy xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hoá).
Rồi mẹ lập gia đình, nhưng mẹ cũng không có một cuộc sống bình yên hơn khi ở chiến trường, các con mẹ lần lượt sinh ra đều thiếu may mắn. Anh tôi là Nguyễn Anh Hùng ban đầu sinh ra bụ bẫm trong niềm vui của cả gia đình. Anh thứ 2 tên Cường sinh ra đã dị tật: Mắt lồi, đầu bẹp, teo cơ, cứng khớp, chân tay ngắn cũn nhỏ như que củi, không nói, không cười, chỉ nằm trên giường. Chị thứ 3 của tôi không có cơ hội chào đời đã bị lưu thai. Giữa thời buổi "thóc cao gạo kém", mẹ vừa lo việc cơ quan, vừa cố gắng chăm sóc đứa con tật nguyền suốt ngày chỉ biết nằm trên giường.
Nhưng tai hoạ vẫn tiếp tục ập xuống mẹ, 15 tuổi anh Hùng đang khỏe mạnh bỗng nhiên phát bệnh: Đầu gối khuỷu tay sưng vù, to như tổ ong, lưng bị kéo cong xuống, mắt mờ dần, tai điếc, miệng bị kéo lệch đi. Bằng nỗ lực phi thường, mẹ lại cố vun vén đưa anh đi chữa trị lần lượt tại các bệnh viện: Bạch Mai, Ngô Quyền, Trung tâm phục hồi chức năng…nhưng vô vọng. Các bác sĩ cho biết: “Chất độc màu da cam đã ngấm vào cơ thể mẹ trong những ngày ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, nay di căn sang con không thuốc gì chữa được”.
Mẹ Hồ Thị Vân và con trai Nguyễn Kiên Cường năm nay đã ngoài 30 tuổi
Cùng vợ chăm những đứa con ốm yếu tật nguyền trong cảnh túng quẫn, một ngày bố tôi ngã bệnh nằm liệt một chỗ. Không còn cách nào khác, mẹ xin nghỉ việc đưa bố và 2 anh về quê chăm sóc. Mọi người khuyên mẹ làm đơn để hưởng chế độ chất độc màu da cam, nhưng mẹ nói:'' Mình còn sống lại được học hành là may mắn hơn nhiều đồng đội rồi. Đất nước còn khó khăn, đang cố được thì không nên đòi hỏi''.
Có lẽ trong cuộc đời cũng có những chuyện thần kì, hay vì tấm lòng của mẹ đã làm cho ông trời cảm động. Bằng ước mơ cháy bỏng, mẹ sinh lần thứ 4 để tôi ra đời được may mắn nguyên vẹn. Dù yếu oặt, nhưng tôi không bị khiếm khuyết bộ phận nào, điều này đã đem đến niềm hi vọng vào tương lai cho mẹ.
Cũng từ ngày tôi ra đời, mẹ bước tiếp vào một hành trình cam go vất vả, đầu tắt mặt tối làm lụng quanh năm. Tôi nhiều lúc không thể nào hiểu nổi, mẹ lấy đâu ra sức lực để có thể tần tảo kiếm đủ cơm gạo nuôi 5 miệng ăn, vừa nuôi tôi học hành, chăm sóc bố và 2 người anh một nằm liệt tại chỗ, một mất trí nhiều khi đi không biết đường về.
Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và bà con hàng xóm, sự cưu mang của thầy cô giáo trường tiểu học và THCS Quỳnh Thạch, tôi được học dần lên qua các cấp học. Tôi luôn tự nhủ phải cố gắng hết mình để không phụ lòng của mẹ và mọi người.
Nhưng một lần nữa, tai hoạ lại ập đến cho mẹ chúng tôi. Vào năm tôi thi đậu vào trường THPT Quỳnh Lưu 2, thì một mắt mẹ mờ dần rồi mù hẳn do di chứng chất độc da cam từ những năm chiến tranh. Tôi học hết THPT thì mắt thứ 2 của mẹ cũng bắt đầu biến chứng.
Đúng lúc ấy bố tôi mất, đưa tang bố xong mẹ tôi gần như gục ngã, chẳng thiết ăn uống gì. Tôi đến bên gường đút cho mẹ thìa cháo, nhưng miệng mẹ cứng lại, cháo vào lại chảy trào ra. Trong buồn rầu vô thức, tôi cúi xuống thì thầm vào tai mẹ:
- Mẹ ơi, Con thi đậu rồi!.
Tựa như có luồng điện chạy qua, mẹ bỗng bừng tỉnh hỏi:
- Con vừa nói gì?
- Thưa mẹ, con có giấy báo nhập trường, nhưng có lẽ con sẽ ở nhà làm thuê kiếm tiền nuôi mẹ.
Như có sức mạnh thần kì nào đó, mẹ vụt ngồi dậy ôm tôi vào lòng nức nở, nước mắt giàn giụa nhưng khuôn mặt lại bừng sáng hi vọng. Đêm đó mẹ trằn trọc không ngủ. Sáng mai, mẹ gọi tôi đến ân cần bảo:
- Mẹ có một gói vàng lâu nay chôn kỹ, định lúc nào qua đời trao lại để con chăm sóc 2 anh. Nay mẹ quyết định đào lên nuôi con ăn học, vậy mai con hãy ra nhập trường nhé.
Yên tâm, tôi lao vào học tập những mong báo đáp công ơn của mẹ, chẳng phải lo gì chuyện cơm áo gạo tiền, vì hàng tháng tôi vẫn nhận đủ tiền ăn, tiền đóng học, không thiếu thốn gì so với các bạn cùng phòng. Tôi vẫn yên tâm rằng, mẹ đang sử dụng gói vàng dự trữ của mình.
Khi tôi cầm tấm bằng tốt nghiệp loại ưu trong tay hớn hở lên xe trở về quê, cũng là lúc tôi tận mắt chứng kiến bóng mẹ có ở khắp hang cùng ngõ hẻm, làm mọi công việc để kiếm ra đồng tiền nuôi chúng tôi. Mỗi ngày từ chập tối đến nửa đêm, mẹ tôi đến làm thuê tại các quán phở ở thị trấn Cầu Giát kiếm đồng tiền công ít ỏi, dồn cơm thừa, canh cặn của khách vào túi ni lông về nuôi 2 anh. Hết giờ, quán đóng hàng, mẹ tôi lại chống gậy đi khuất thực khắp nơi xin từng nắm gạo, củ khoai, gom từng đồng bạc lẻ dành dụm qua ngày.
Gắng gượng quá sức, đến ngày đón con học hành thành tài, mẹ mới chịu khụy ngã vào vòng tay đứa con trai mà mẹ đặt mọi niềm hi vọng. Chẳng khóc được thành lời, tôi thấy sống mũi mình cay cay, hơn ai hết, tôi thấm thía về "gói vàng" của mẹ, đó chính là sự hi sinh vô bờ bến của mẹ và tấm lòng nhân ái bao la của những người đã cưu mang tôi ăn học. "Gói vàng" ấy với tôi còn quý hơn ngàn vạn những gói vàng khác trên đời này.