Giải bài toán xử lý ùn tắc giao thông đô thị đòi hỏi phải phát triển giao thông công cộng hoàn chỉnh, liên thông gồm xe buýt, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, taxi và xe đạp công cộng để thỏa mãn mọi nhu cầu đi lại của người dân.
Hà Nội có thể sẽ là địa phương đi đầu trong việc đề ra các giải pháp xử lý nạn ùn tắc giao thông đô thị. Người dân vẫn theo dõi hiệu quả của hàng loạt giải pháp của thành phố, chẳng hạn với cung đường từ nội đô đi quận Hà Đông. Trên tuyến này hiện đã và đang có các dự án: mở rộng đường Nguyễn Trãi, đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, đường Lê Văn Lương-Tố Hữu, đường dành riêng cho xe bus nhanh… Thế nhưng tuyến này vẫn là con đường khổ ải vào giờ cao điểm bởi cách thức xử lý vẫn ở lưng chừng, tuy không phải là ngọn và cũng chưa đến gốc.
Dự án Hoàng Cầu - Voi Phục với dự kiến kinh phí 7.800 tỉ
Nhiều cách làm của Hà Nội là không giống ai, bất chấp hậu quả. Mới đây nhất, thành phố ra lệnh cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ tại 11 tuyến phố nội đô. Với lệnh này, người dân các khu vực trên sẽ khó khăn khi đi làm việc, đi khám bệnh, trở về nhà vào khung giờ cao điểm.
Trước đó, Hà Nội quyết định tăng giá dịch vụ trông giữ xe ở một số tuyến phố trung tâm nhằm giảm phương tiện vào nội đô. Tính ra nếu có ô tô vào khu vực này, gửi xe một ngày thì tiền gửi xe bằng đi taxi 40 ki lô mét. Qua những ngày đầu thực hiện đã tỏ ra bất cập, xe vẫn phải vào và tiền trông giữ xe không vào ngân sách mà vào túi những người được làm việc này.
Xem ra, giải pháp cấm như trên chỉ là một biện pháp tình thế, lo phần ngọn, rất vá víu trong khi chưa giải quyết được tận gốc bài toán cân bằng giữa việc mở rộng đường sá, tăng cường giao thông công cộng và sự phát triển chóng mặt của phương tiện cá nhân.
Cái gốc của ùn tắc giao thông đô thị ở Hà Nội là sự chậm trễ, kém hiệu quả của phát triển giao thông công cộng. Đã qua mấy nhiệm kỳ mà dự án đường sắt đô thị vẫn chưa biết bao giờ mới xong trong khi hệ lụy lập lô cốt, cấm xe vẫn tiếp tục làm khó người dân. Dự án xe buýt nhanh BRT tốn cả ngàn tỉ đồng là “họa hổ bất thành” vì hiệu quả quá thấp. Buýt nhanh thành buýt thường.
Việc mở rộng đường sá như xén bớt giải phân cách ở đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng có thể coi là giải pháp đúng đắn, tuy muộn còn hơn không, rất khác với các dự án mở đường đắt kỷ lục. Chẳng hạn đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục chỉ dài 2.200 mét được trù liệu tới 7.800 tỉ đồng. Xem ra “đắt nhưng chưa chắc xắt ra miếng”. Nghe nói mới đây lại có thêm đề nghị mở tuyến bus trên Hồ Tây phục vụ người đi làm. Thế nhưng các chuyên gia GTVT bác bỏ ngay vì nếu có, tuyến này chỉ dành cho nhưng người rảnh rỗi hóng gió chứ ai đi làm qua đó?
Thành phố đã có chủ trương sẽ cấm xe máy trong tương lai gần (năm 2030) bất chấp việc chưa có giải pháp căn cơ để lo đi lại cho người dân. Xin nhớ rằng năm vừa rồi ở nước ta đã bán ra trên 3,2 triệu chiếc xe máy. Ngoài ra còn có thêm 23 vạn ô tô mới lăn bánh khiến lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông thêm áp đảo phương tiện công cộng ở Hà Nội cũng như các đô thị lớn.
Giải bài toán xử lý ùn tắc giao thông đô thị đòi hỏi phải phát triển giao thông công cộng hoàn chỉnh, liên thông gồm xe buýt, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, taxi và xe đạp công cộng để thỏa mãn mọi nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi chờ hạ tầng giao thông phát triển tương xứng, việc cần làm chính là tăng cường giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật về giao thông, tổ chức giao thông phù hợp. Đây cũng chính là phần gốc của vấn đề!