Theo quan sát của các công ty chứng khoán, các bluechips cùng các cổ phiếu BĐS hạng trung đang dần phục hồi, đây được xem như là động lực tăng điểm của thị trường trong thời gian tới.
Dòng tiền sớm quay trở lại
CTCP Chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS): Rõ ràng rất nhiều nhà đầu tư khi bước vào phiên 26/11 đều có một nỗi lo ngại nhất định liên quan tới số cổ phiếu ngày 21/11 về tài khoản. Thế nhưng, ngược với lo ngại đó nhà đầu tư lại đặt ra câu hỏi là số cổ phiếu đó đâu? Nhìn thanh khoản của thị trường đầu phiên khá thấp, lo ngại từ phía cầu đã rõ nhưng bên bán cũng khá bản lĩnh khi không bán mạnh. Đây là một trong những yếu tố được cho là có tính tích cực nhất định.
Với việc tăng nhẹ của cả hai chỉ số, nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường đã vượt qua được thử thách lớn. Điều này có thể đồng nghĩa rằng một phần dòng tiền sẽ sớm quay lại với thị trường. Mua vào hay bán ra đều cần có một chiến lược thật cụ thể bởi thị trường giai đoạn này thật khó đoán.
Xu hướng tăng vẫn duy trì
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Phiên 26/11, thị trường trải qua diễn biến khá giằng co tuy nhiên vẫn duy trì đà tăng thành công và đóng cửa gần mức cao nhất trong phiên. Khối lượng giao dịch duy trì dưới ngưỡng bình quân 10 phiên cho thấy lực cầu vẫn chưa thực sự lấy lại tự tin khi đa số các cổ phiếu vẫn đang giao dịch dưới mức đỉnh ngắn hạn cuối tuần trước.
Quan sát diễn biến phân hóa của thị trường trong các phiên gần đây BVS nhận thấy có 2 dòng cổ phiếu có thể thu hút dòng tiền và tạo động lực cho nhịp hồi phục tới. Nhóm thứ nhất gồm các mã bluechips trễ nhịp, sụt giảm hoặc tích lũy đi ngang hơn 1 tháng trở lại đây. Nhóm thứ 2 thuộc về các mã bất động sản hạng trung, sau một nhịp điều chỉnh ngắn trong một hai tuần trở lại đây, cũng bắt đầu cho tín hiệu phục hồi. Bên cạnh đó các dòng cổ phiếu phản ứng theo thị trường như các mã ngành chứng khoán, thép cũng có thể tiếp tục đi lên khi thị trường có diễn biến thuận lợi.
Xu hướng tăng của hai chỉ số vẫn đang được duy trì với vùng cản gần nhất VN-Index đặt tại 515 – 520 điểm. Đây được xem là vùng chốt lời theo kỳ vọng của phần tỷ trọng ngắn hạn trading, kết hợp tái cơ cấu danh mục. Các hoạt động mua tích lũy, kể cả cho mục đích lượt sóng T+, nên tránh mua đuổi tại các vùng giá cao mà tập trung vào các mã đang điều chỉnh tích lũy trong những phiên tới.
Kịch bản tăng đang hình thành
CTCK MayBank Kim Eng (MBKE): Thị trường xanh điểm trong phiên 26/11 – phiên T+3 của ngày thứ 5 tuần trước với KLGD kỷ lục từ trước đến nay trên TTCK Việt Nam. Kịch bản về một áp lực cung hàng trên diện rộng đã không xảy ra, thị trường giao dịch khá điềm tĩnh và VN-Index đóng cửa với mức tăng khá (+0.53%). KLGD giữ mức tương đương phiên liền trước và đây vẫn là mức trung bình của thị trường trong một tháng trở lại đây.
Đứng trên quan điểm kỹ thuật, VN-Index có mức giá đóng cửa cao nhất kể từ khi đường giá vượt thành công lên trên mức 505 điểm – cạnh trên của vùng tích lũy đi ngang mà VN-Index đã di chuyển suốt một tháng trước đó. Xác suất VN-Index lựa chọn kịch bản tái lập thành công xu hướng tăng cho tháng còn lại của năm 2013 đang lớn hơn. MBKE giữ nguyên quan điểm nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì một tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.
Mua bluechips khi điều chỉnh
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Với nỗ lực kéo giá của một số cổ phiếu lớn như BVH, MSN, VNM… thì thị trường tiếp tục hồi phục trong phiên giao dịch ngày 26/11. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn được đẩy mạnh giao dịch và tác động khá tích cực đến diễn biến chung của thị trường, đặc biệt là một số cổ phiếu trụ cột về cuối phiên khiến VN-Index có lúc vượt lên mốc 510 điểm và tâm lý nhà đầu tư phần nào được giải tỏa khỏi e ngại về kịch bản bán tháo của khối lượng lớn cổ phiếu về tài khoản.
Như vậy, xu thế chung của thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu lạc quan trở lại khi ghi nhận hơn 1,400 tỷ đồng đổ vào thị trường trong phiên giao dịch ngày 26/11. Theo FPTS quan sát thì dòng tiền vào thị trường có xu hướng tập trung vào các mã cổ phiếu vốn hóa lớn được hỗ trợ bởi thông tin cơ bản tốt trong quý 3, không chỉ các cổ phiếu bluechips mà nhiều mã mid-cap cũng thu hút được sự quan tâm của sức cầu cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư đã trở lại.
Theo đó, cùng với tín hiệu tích lũy trước đó của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thì nhà đầu tư có thể canh mua dần vào các cổ phiếu này nếu xuất hiện trạng thái điều chỉnh, tuy nhiên vẫn nên tránh việc mua đuổi khi giá đã tăng mạnh.
Đang ở vùng nhạy cảm
Công ty TNHH Chứng khoán NH Đông Á (DAS): Bất chấp lượng hàng lớn về tới tài khoản trong phiên giao dịch 26/11, thị trường vẫn thể hiện mức tăng “đẹp mắt”. Đối với VN-Index trong phiên này đã hình thành cây nến xanh rỗng khá tốt; tuy nhiên, chỉ số vẫn chưa thể chinh phục được kháng cự tại vùng 510 điểm - đây là vùng đỉnh gần nhất ngày 21/11 và chỉ số sẽ kiểm nghiệm lại vùng này trong phiên giao dịch tới.
Cho đến thời điểm hiện tại, DAS vẫn đang lạc quan về xu hướng tăng của thị trường. Tuy nhiên, VN-Index đang ở vùng kháng cự khá nhạy cảm; vì thế, nhà đầu tư vẫn nên giao dịch theo hướng thận trọng. Dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển nhẹ sang các cổ phiếu bất động sản như: DIG, DXG, NTL, TDH, VCG … sau khi điều chỉnh nhẹ và đi ngang trong thời gian qua. Nhà đầu tư trung hạn có thể xem xét trở lại đối với các cổ phiếu trên.
Riêng đối với HNX, dòng tiền đang có dấu hiệu suy yếu tại sàn này. Thanh khoản của HNX-Index đang giảm so với trung bình 20 phiên gần nhất (42 triệu cp/phiên) và hiện tượng chốt lời vẫn đang xảy ra đối với các cổ phiếu đầu cơ. Vì thế, mức tăng của chỉ số này sẽ chựng lại và khả năng chỉ số sẽ chỉ đi ngang quanh vùng 65 điểm trong phiên ngày 27/11.
Mỹ Hà tổng hợp