Ngày 11/2, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Sau khi kết thúc nội dung này, UBTVQH đã bế mạc phiên họp.
Đề nghị nâng số lượng ĐBQH chuyên trách lên 40%
Báo cáo tóm tắt một số nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH và đề nghị của các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đề xuất tiếp thu 9 nội dung.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo
Phiên họp này, Ủy ban Pháp luật báo cáo, xin ý kiến UBTVQH một số nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng cho hay: Nhiều ý kiến của ĐBQH tại kỳ họp thứ 8 đề nghị cần đổi mới một cách căn bản việc thực hiện cả 03 chức năng lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước và cách thức tổ chức, hoạt động của Quốc hội, đổi mới việc tổ chức bầu cử và xác định nhiệm kỳ của Quốc hội,…
Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, Quốc hội đã quyết định sẽ xem xét, thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ 9 sắp tới, thời gian chuẩn bị không còn nhiều, nên nếu nghiên cứu để sửa đổi một cách căn bản Luật như các đề xuất nêu trên sẽ không bảo đảm tiến độ trình thông qua.
Do đó, đề nghị UBTVQH cho phép chỉ nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội trong phạm vi khuôn khổ quy định của Hiến pháp, có tính khả thi cao, có thể thực hiện được ngay. Các nội dung khác xin được tiếp tục nghiên cứu để báo cáo vào thời điểm thích hợp hơn.
Về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, bên cạnh nhiều ý kiến tán thành quy định tỷ lệ ít nhất là 35% tổng số ĐBQH như hiện nay, một số ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ này lên mức 37%, 40% tổng số ĐBQH. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp thể hiện thành hai phương án để xin ý kiến UBTVQH:
Phương án 1: Giữ quy định về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH (như Luật hiện hành).
Phương án 2: quy định tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số ĐBQH. Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo lựa chọn phương án 1.
Về cơ cấu ĐBQH, có ý kiến đề nghị cần có chính sách thu hút các đồng chí nguyên là cán bộ, công chức, viên chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ, gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách; không khống chế độ tuổi tối đa của ĐBQH hoặc kéo dài tuổi làm việc của ĐBQH hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn (65-67 tuổi) so với quy định của Bộ luật Lao động để phát huy tối đa trí tuệ, kinh nghiệm của đại biểu.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là vấn đề cần được xem xét. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì ĐBQH hoạt động chuyên trách là chức danh cán bộ, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức, nên nếu có quy định riêng về tuổi làm việc đối với ĐBQH thì cần được tính toán để thể hiện ngay trong Luật Tổ chức Quốc hội và đề nghị UBTV cho ý kiến.
Giữ nguyên hai phương án để Quốc hội lựa chọn
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, về số lượng đại biểu chuyên trách cũng đã bàn từ Đại hội đảng XI, và đã được ghi trong Nghị quyết Trung ương. Nên cố gắng phấn đấu đạt tỷ 37-40%, và cố gắng để thu hút ít nhất 3-5% các chuyên gia, đã từng công tác ở các cơ quan của Quốc hội, các Bộ,… bởi đó là nguồn chất xám quý.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị rà soát lại một lần nữa các quy định theo tinh thần Hiến pháp. Qua nghiên cứu dự thảo Luật thấy rằng dường như vẫn còn những điểm mang tính hành chính, trong khi Quốc hội hoạt động theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, nguyên tắc này xuyên suốt từ Quốc hội đến các ủy ban của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá đây là một dự Luật quan trọng, đa số ĐBQH mong muốn lần sửa đổi này không làm giảm vị thế, vai trò, hoạt động của các đại biểu. Cơ bản trong khóa XIV, thực tiễn hoạt động của các đại biểu Quốc hội không có gì vướng mắc, do đó lần sửa đổi lần này không đặt phạm vi sửa đổi toàn diện Luật mà chỉ sửa đổi một số điều. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý nên để con số 40% đại biểu chuyên trách trên tổng số đại biểu Quốc hội để có mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, UBTVQH đánh giá cao sự nỗ lực, chuẩn bị công phu của Cơ quan soạn thảo và Ủy ban Pháp luật. Đối với những nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo, Cơ quan Thẩm tra cùng với các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự Luật trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến tại Phiên họp này.
Về số lượng, cơ cấu ĐBQH và số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách, đa số thành viên UBTVQH thống nhất đề nghị giữ nguyên số lượng ĐBQH là 500 như luật hiện hành; giảm số lượng ĐBQH ở các cơ quan hành pháp, tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách; dành tỷ lệ khoảng 5% tổng số ĐBQH cho những người chuẩn bị nghỉ hưu hoặc đến tuổi nghỉ hưu nhưng có đủ điều kiện về kinh nghiệm, sức khỏe, trí tuệ, uy tín để ứng cử làm ĐBQH, sau khi được bầu sẽ làm ĐBQH hoạt động chuyên trách, không giữ chức danh lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội. Những người này có thể thuộc các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các nhà khoa học, luật sư, những nhà hoạt động chính trị-xã hội... có uy tín.
Nhiều ý kiến đề nghị quy định tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số ĐBQH; một số ý kiến đề nghị giữ quy định về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách như hiện hành là ít nhất 35%.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị đưa ra 2 phương án để Quốc hội quyết định, trong đó phương án 1 là ít nhất 40% ĐBQH hoạt động chuyên trách, phương án 2 là ít nhất 35% ĐBQH hoạt động chuyên trách.
Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về việc ban hành Nghị định hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul.