Hòa trong không khí sôi nổi của nhân dân thành phố Đà Nẵng chào mừng kỷ niệm 41 năm ngày Giải phóng Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hòa Vang tổ chức chương trình “Văn hóa dân tộc Cơ Tu-nơi lưu giữ bản sắc cộng đồng".
Chương trình nhằm giới thiệu nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở Đà Nẵng và Quảng Nam đến với người dân và du khách.
Đồng bào Cơ Tu là một bộ phận trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Người Cơ Tu sinh sống tập trung ở vùng núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế và TP. Đà Nẵng, một số ít sinh sống ở vùng Tây Trường Sơn.
Cộng đồng người Cơ Tu đã sáng tạo và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của dân tộc mình về mặt trang phục, âm nhạc, lễ hội, phong tục tập quán. Những nét văn hóa ấy đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam.
Tại chương trình, các nghệ nhân Cơ tu tái hiện lại nền văn hóa cồng chiêng và một số nghề truyền thống: dệt vải, đan mây tre và điêu khắc gỗ truyền thống...
Phần trình diễn cồng chiêng truyền thống của đồng bào Cơ Tu
Biểu diễn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Cơ Tu
Nghề đan mây tre
Chương trình đã mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm thật nhất, những cảm xúc khó quên khi được trực tiếp giao lưu, tiếp xúc với các nghệ nhân, được tìm hiểu học hỏi thêm kiến thức về những giá trị di sản văn hoá người Cơ Tu thông qua những hình ảnh, hiện vật được trưng bày ở đây.
Đồng thời, chương trình còn tạo cơ hội để đồng bào Cơ Tu quảng bá, giới thiệu đến du khách và công chúng về những nét sinh hoạt văn hoá độc đáo của dân tộc mình. Từ đó, giúp đồng bào thêm tự hào về truyền thống của cộng đồng mình.