Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đã có bài viết ngày 5/4 đăng tải những bình luận của giới học giả nước ngoài về cuộc điện đàm quan trọng giữa Tổng bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Trump vào tối ngày 4/4 theo giờ Việt Nam.
Theo các nhà quan sát, cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ được nhận định là sẽ giúp "hạ nhiệt" căng thẳng và cho phép các cuộc đàm phán tiếp theo, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang bị Mỹ tuyên bố áp đặt mức thuế quan đối xứng khá cao tới 46% với hàng xuất khẩu.
Cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo của hai nước được đánh giá một dấu hiệu rõ ràng cho thấy thuế quan là vấn đề có thể thương lượng được với chính quyền Mỹ hiện nay.
Đề cập đến cuộc điện đàm với Tổng bí thư Tô Lâm gần như ngay lập tức sau đó, Tổng thống Trump cho biết đó là một cuộc trao đổi "rất hiệu quả", cả hai bên đã nhất trí thảo luận về một thỏa thuận nhằm xóa bỏ mức thuế 46% với Việt Nam.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social của mình, Tổng thống Trump cho biết Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói với ông rằng "Việt Nam muốn cắt giảm thuế quan xuống mức 0 nếu họ có thể đạt được thỏa thuận với Mỹ". Bên cạnh đó, ông Trump cũng không quên gửi lời cảm ơn khi đã nói: “Tôi thay mặt đất nước cảm ơn ông ấy và mong muốn sớm có cuộc gặp trong tương lai gần”.
Nhận định về cuộc điện đàm nêu trên, ông Zachary Abuza, Giáo sư tại Học viện Chiến tranh Quốc gia ở Washington DC (Mỹ) chuyên về các vấn đề chính trị và an ninh Đông Nam Á, cho biết phía Việt Nam hiểu rõ rằng thuế quan là "một chiến thuật đàm phán" của chính quyền Mỹ hiện nay.
Ông Zachary Abuza nêu rõ: "Người Việt Nam thực sự hiểu về chính trị giao dịch". Đồng thời, vị Giáo sư này cũng nói thêm rằng giới lãnh đạo Việt Nam có mọi lý do để “chủ động tiếp cận" với chính quyền của Tổng thống Trump vì quá trình hiện đại hóa kinh tế của Việt Nam dựa trên việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales ở Australia, chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á, cho biết trước cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ, vẫn còn nhiều câu hỏi về việc liệu mức thuế quan có thể thương lượng được hay không.
Tuy nhiên, ông cho rằng cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ nêu trên đã giúp thế giới hiểu rõ thêm về thuế quan của Tổng thống Trump.
“Bây giờ chúng ta biết rằng thuế quan của (Tổng thống Mỹ) Trump có thể thương lượng được. Điều này sẽ có tác động tích cực lớn đến thị trường”, ông Thayer cho biết.
Ông Thayer cũng nhấn mạnh diễn biến này là “cực kỳ quan trọng” vì Việt Nam đang có mức thặng dư thương mại với Mỹ lớn xếp ngay sau Trung Quốc và Mexico. “Giờ đây áp lực sẽ đè lên các quốc gia khác, buộc họ phải làm theo”, ông nói thêm.
Đánh giá về mức thuế quan đối xứng mà Mỹ tuyên bố áp đặt lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Giáo sư Thayer cho biết mức thuế 46% cũng đồng nghĩa với việc các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia sẽ có được phần nào lợi thế hơn trong các ngành dệt may, giày dép và hàng điện tử.
Tờ SCMP cũng đề cập đến việc Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 3/4 đã khẳng định mức thuế quan 46% mà Mỹ tuyên bố áp đặt là “không phù hợp với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước”. Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh chính đã yêu cầu thành lập Tổ phản ứng nhanh để giải quyết ngay lập tức tình hình liên quan.
Tờ báo này cũng trích dẫn phát biểu của nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng khi cho biết “Việt Nam sẽ vượt qua giai đoạn đầy thách thức này với tư duy của một quốc gia và một nền kinh tế ngày càng trưởng thành, kiên cường và có trách nhiệm”.