Ngày 16/6/2016, TAND cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Cao Thị Phồn (SN 1956), trú tại 61 Tam Thai, phường An Tây, Tp.Huế về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, khoảng tháng 4/2013, Trần Hưng Hiếu, trú tại tổ7, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà nghe một người quen giới thiệu bà Phồn có khả năng xin việc nên đã tìm gặp để nhờ Cao Thị Phồn xin cho đứa em gái là Nguyễn Thị Thúy vừa tốt nghiệp Đại học vào làm tại bệnh viện Quốc tế Huế.
Lúc này, bà Phồn nảy sinh ý định lừa đảo nên nói với Hiếu muốn xin việc cho Thúy vào làm tại bệnh viện Quốc tế Huế thì phải đưa số tiền là 120.000.000 đồng nhưng đặt cọc trước là 96.000.000 đồng và cam kết trong vòng 03 tháng Thúy sẽ có Quyết định đi làm, nếu không xin được sẽ hoàn trả đầy đủ số tiền cọc cho Hiếu. Nghe vậy, Hiếu tưởng thật nên đồng ý và đưa cho bà Phồn số tiền 96.000.000 đồng.
Tháng 5/2013, ông Trần Bảy, trú tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy cũng được người quen giới thiệu bà Phồn có mối quan hệ rộng, xin được việc làm cho nhiều người nên ông Bảy tìm gặp bà Phồn đặt vấn đề xin việc.
Khi gặp ông Bảy, bà Phồn nói dối là xin được việc cho sinh viên mới ra trường vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh TT-Huế, nếu ai có nhu cầu xin việc thì giới thiệu cho Phồn.
Nghe vậy, ông Bảy tin tưởng nên từ tháng 5 đến tháng 7/2013, ông Bảy đã nhận 07 bộ hồ sơ và tiền đặt cọc là 675.000.000 đồng. Sau đó, ông Bảy làm hợp đồng và giao tiền đặt cọc cho bà Phồn là 450.000.000 đồng. Nhận được tiền bà Phồn cũng hứa trong vòng 03 tháng sẽ xin được việc cho các trường hợp ông Bảy gửi hồ sơ.
Bị cáo Cao Thị Phồn trong phiên sơ thẩm
Đến tháng 9/2013, khi nghe anh Nguyễn Thìn, trú tại xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông có nhu cầu xin việc cho vợ là Nguyễn Thị Hiền vào làm việc tại Bảo hiểm xã hội huyện Nam Đông nên bà Phồn đã liên hệ với anh Thìn để xin việc cho vợ anh này.
Bà ta yêu cầu anh Thìn chuẩn bị 160.000.000 đồng nhưng đặt cọc trước 50.000.000 đồng và cam kết trong vòng 01 tháng chị Hiền sẽ có Quyết định đi làm. Nghe vậy, anh Thìn đồng ý và giao số tiền 50.000.000 đồng.
Như vậy, sau khi thực hiện hành vi lừa đảo trót lọt, tổng số tiền Phồn chiếm đoạt là 596.000.000 đồng và số tiền này bà ta sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân chứ không xin việc như đã cam kết.
Sau khi phát hiện ra hành vi lừa đảo xin việc để lấy tiền của bà Phồn, các bị hại đã làm đơn tố cáo đến Công an. Biết việc làm của mình bại lộ và bị tố cáo lừa đảo, bà ta đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên cơ quan điều tra Công an tỉnh TT-Huế phát lệnh truy nã đến ngày 05/02/2015 thì bị bắt.
Trong quá trình điều qua, cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh tại Bệnh viện TW Huế; Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế; Phòng Nội Vụ ,Tp.Huế; Tòa án nhân dân tỉnh TT-Huế. Kết quả: Bà Phồn không nộp hồ sơ xin việc và trong thời gian bà ta lừa đảo, các cơ quan này không có tuyển dụng nhân viên.
Là một giáo viên nghỉ hưu, luôn tự xưng mình quen biết nhiều lãnh đạo trong địa bàn tỉnh TT-Huế, bà Phồn đã thực hiện hành vi lừa đảo xin việc cho 9 người chiếm đoạt hơn 500.000.000 đồng. Tại bản án sơ thẩm ngày 28/3/2016, TAND tỉnh TT-Huế tuyên phạt bị cáo Phồn 09 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Phồn đã có đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm xin giảm nhẹ hình phạt vì hiện đang mắc bệnh mãn tính; gia đình neo đơn có mẹ già bị mù. Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm xét thấy, hành vi của bị cáo Phồn là đặc biệt nghiêm trọng, là người cán bộ đã công tác hơn 30 năm trong nghề giáo dục và được tặng huy chương “Vì sự nghiệp Giáo dục”, bản thân bị cáo là người có trình độ và hiểu biết pháp luật nhưng cố tình gian dối lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác để tiêu xài cá nhân. Đồng thời, những lý do bị cáo đưa ra không có gì mới và cấp sơ thẩm đã xem xét. Vì vậy, sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ HĐXX bác kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.