Giáo viên hợp đồng phải tiết kiệm 2-3 năm mới đủ tiền nộp phạt

Ngô Chuyên - Hà Phương| 07/10/2018 18:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến. Theo đó, nhiều giáo viên cho rằng phạt về hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể người học là quá cao so với lương cơ bản.

Giáo viên hợp đồng phải nhịn ăn 2- 3 năm mới đủ tiền nộp phạt

Thời điểm này, nhiều giáo viên lo lắng về Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, PV Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với một số giáo viên về Dự thảo nghị định này.

Theo ý kiến của nhiều giáo viên, Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là cần thiết để hình thành lên hệ thống cơ sở pháp lý chung, đồng thời sẽ điều chỉnh hành vi, ý thức của mỗi cá nhân trong một tổ chức, trường, lớp, tu dưỡng rèn luyện đạo đức nhà giáo, tăng tính răn đe, phòng ngừa những hiện tượng bạo hành trong giáo dục.

Giáo viên hợp đồng phải tiết kiệm 2-3 năm mới đủ tiền nộp phạt

Ảnh Hải Nam.

Tuy nhiên, cô giáo Đào Thị Lệ Thúy - lãnh đạo của một trường THCS ở Hưng Yên cho hay, mức phạt tại điều 32 của Dự thảo Nghị định quy định chế tài xử phạt về hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể người học là quá cao so với lương cơ bản của giáo viên.

“Đối với giáo viên mới ra trường hay giáo viên hợp đồng nếu vi phạm thì tích góp 2-3 năm mới đủ số tiền đóng phạt. Còn những giáo viên trên 10 năm công tác thì cũng phải mất nửa năm. Điều này sẽ tạo nên áp lực rất lớn đối với giáo viên đứng trên bục giảng vì ngại kỷ luật nặng mà họ mặc kệ những vi phạm của học sinh. Như vậy, hậu quả gây ra sẽ vô cùng lớn chứ không còn nằm ở vài chục triệu đồng nữa”, cô Thúy nói.

Với kinh nghiệm giảng dạy, quản lý hơn 30 năm trong ngành giáo dục, cô Thúy cho rằng: “Không nên xử phạt hành chính trong ngành giáo dục, bởi có nhiều cách xử phạt nhằm tăng tính răn đe giáo viên như: Đình chỉ công tác 1 vài ngày, 1 tháng, kiểm điểm, khiển trách trước hội đồng nhà trường hay lao động công ích chứ không nhất thiết xử phạt hành chính”.

“Việc phạt tiền sẽ làm xấu đi hình ảnh người giáo viên với học sinh, phụ huynh và xã hội. Ngoài ra, nếu xuất hiện hành vi xúc phạm, đánh mắng học sinh thì lãnh đạo nhà trường, giáo viên khác sẽ có ý kiến góp ý để điều chỉnh hành vi”, cô Thúy nhấn mạnh.

Theo quan điểm của thầy Trần Dũng – giáo viên một trường THCS ở Hưng Yên cho rằng xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể có nhiều hình thức khác nhau, nếu tiến hành xử phạt thì cần quy định rõ ràng những hành vi, mức độ vi phạm khác nhau.

“Nếu một giáo viên đánh thường xuyên học sinh thì mức độ sẽ khác so với một giáo viên có hành động bộc phát. Trong giáo dục cần có kỷ luật vì thế mắng cũng là một hình thức để kiểm soát những hành vi xấu của học sinh. Nếu mắng một câu mà mất 30 triệu đồng thì điều đó là bất hợp lý, cho nên Dự thảo này cần cụ thể, rõ ràng những mức độ vi phạm để hợp tình, hợp lý và nhân văn hơn”, thầy Dũng phân tích.

Giáo viên hợp đồng phải tiết kiệm 2-3 năm mới đủ tiền nộp phạt

Bộ GD-ĐT nên lắng nghe ý kiến của giáo viên. Ảnh Hải Nam.

Tăng mức xử phạt dạy thêm sai quy định

Trong Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục có đưa ra vấn đề xử phạt đình chỉ giảng dạy từ 1-6 tháng, nếu vi phạm xâm phạm thân thể học sinh. Cô Nguyễn Thị Thu Hoài - giáo viên dạy Văn - ở Hưng Yên phân tích: “Nếu đình chỉ dạy trong thời gian quá dài như vậy sẽ làm giáo viên rối loạn trong giảng dạy. Bởi nếu giáo viên bị đình chỉ dạy sẽ xáo trộn trong việc học của học sinh. Sau khi giáo viên trở lại dạy thì sẽ khó sắp xếp lớp để giảng dạy, cuối cùng thì học sinh sẽ người chịu hậu quả”.

Đóng góp ý kiến về Dự thảo xử phạt hành chính trong giáo dục thầy Hà Huy Khôi – một giáo viên THCS ở Hà Nội cho rằng, Dự thảo đưa ra là cần thiết nhằm kiểm soát những hành vi của giáo viên. Tuy nhiên, đã có nhiều quy định trong Hiến pháp, pháp luật, Luật Giáo dục, Luật Công chức Viên chức. Nếu ban hành thêm Nghị định thì quá nhiều văn bản quy định cùng quy định một hành vi, điều này sẽ chồng chéo trong Luật.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên cũng ý kiến quy định tăng mức xử phạt dạy thêm sai quy định, cô giáo Lệ Thúy cho rằng: “Dạy thêm là cần thiết nhưng cần có quản lý chặt chẽ. Nếu xuất hiện những hành vi dựa vào dạy thêm để trục lợi thì cần tăng mức phạt cao hơn nữa để tăng tính răn đe. Đồng thời, Dự thảo Nghị định cần quy định đơn vị giám sát, kiểm tra việc dạy thêm tại nhà”.

Đồng quan điểm với cô Lệ Thúy, giáo viên Thu Trà – giáo viên ở Hà Nội cho rằng: “Nếu Dự thảo Nghị định quy định cụ thể vậy thì 90% giáo viên dạy thêm sẽ dừng hoạt động. Bởi mức xử phạt một lần tương đương với cả tháng dạy của giáo viên”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo viên hợp đồng phải tiết kiệm 2-3 năm mới đủ tiền nộp phạt