Viện trưởng về hưu, nhưng cảm hứng mà ông truyền lại cho người kế nhiệm, nhân viên, bệnh nhân, đồng nghiệp ngành Y, sinh viên nhiều thế hệ… sẽ là “di sản”.
Người ta rơi nước mắt về một vị “quan” khi về hưu, có lẽ bởi người đó đã truyền được cảm hứng sống và làm việc một cách tử tế” - một độc giả đã bày tỏ khi chứng kiến những hình ảnh về ngày chia tay vị Viện trưởng về hưu.
“Cuộc chia tay lịch sử”
Những ngày đầu tháng 10/2017, khi hình ảnh hàng ngàn bệnh nhân và đồng nghiệp quyến luyến chia tay Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương nghỉ hưu được lan tỏa trên báo chí, hàng triệu trái tim của độc giả đã thổn thức theo. Một số clip được đưa lên khiến người ta dù chưa bao giờ tiếp xúc với ông cũng xúc động không kìm được nước mắt.
Lần đầu tiên trong lịch sử ngành Y chứng kiến hàng ngàn người xếp hàng chia tay một Viện trưởng nghỉ hưu trong nước mắt. Từ giây phút chào cờ hết sức trang nghiêm và thiêng liêng, để rồi sau đó mỗi cán bộ, nhân viên và cả bệnh nhân đều vỡ òa trong niềm xúc động nghẹn ngào khi tiễn vị Giáo sư lên xe ô tô rời Viện.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí
Đó là những cán bộ, nhân viên cùng gắn bó, đồng cam cộng khổ với Giáo sư suốt 14 năm qua, là những người bệnh tuy không phải Giáo sư trực tiếp điều trị nhưng lại được thụ hưởng nhiều thành tựu mà ông và tập thể Viện mang lại. Không khí tại Viện Huyết học truyền máu trong khoảnh khắc ấy như chùng lại. Những khuôn mặt tiếc nuối, những cái nắm tay bịn rịn, những cái ôm thật chặt và cả những tiếng nấc nghẹn ngào... Tất cả đã nói lên cái tài, cái tâm và cái tầm của vị Giáo sư đáng kính - Nguyễn Anh Trí.
Thiết nghĩ rằng, những tình cảm mà hàng ngàn người dành cho bác sĩ Trí không phải nhờ những giải thưởng hay tấm huy chương trong sự nghiệp, nếu có cũng chỉ là khía cạnh khác. Bởi vì so thành tích nhiều người còn hoành tráng hơn, điều đó cho thấy người ta kính mến ông vì cách đối nhân xử thế, cái đạo với cấp dưới, cái đức với cấp trên, ân tình với bệnh nhân.
Gặp Giáo sư Nguyễn Anh Trí trong một buổi chiều cuối năm, ông vẫn tất bật với những công việc nghiên cứu, tất bật với vai trò của một Đại biểu Quốc hội. Ở vị bác sĩ tài ba ấy vẫn là sự nhanh nhẹn, quyết đoán nhưng đâu đó vẫn phảng phất một nét buồn, một sự bùi ngùi. Ông tâm sự: “Cảm xúc lúc này vẫn rất bồi hồi, khó tả xen lẫn nhau, nhưng nhiều nhất vẫn là buồn. Tôi rất buồn vì tôi phải xa một tổ ấm, một tập thể mà ở đó tôi đã có 14 năm gắn bó, lăn lộn. Tập thể này đã cùng với tôi trong những năm tháng qua vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, rất nhiều trở ngại để có thể đạt được những thành công như ngày hôm nay”.
Giáo sư Trí nói, bên cạnh nỗi buồn vì phải xa nơi đã gắn bó từ lâu, ông cũng rất vui vì mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị là Viện trưởng. “Tôi mãn nguyện với những thành tích mình đạt được, mãn nguyện với tập thể này nhưng tôi còn mãn nguyện nữa là mình đã có một đội ngũ kế cận tốt, mãn nguyện là mình đã làm được những việc đã định từ những ngày đầu tiên tôi nhận quyết định bổ nhiệm trở thành Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương”.
Đoàn kết là động lực
Viện trưởng về hưu, chuyện được báo trước, không đột ngột, không vội vàng, nhưng giọt nước mắt vẫn không thể ngừng rơi. Lễ chào cờ cuối cùng với hơn 1.000 người tham dự đã hô vang “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, như là kim chỉ nam trong suốt hơn 14 năm qua và tiếp tục sau này cho Viện Huyết học phát triển.
Những hình ảnh bịn rịn trong buổi chia tay như một làn gió mát xua đi cái “oi bức” trong dư luận nhiều năm qua với những gì liên quan đến ngành y, nghề y
Nói về cơ quan của mình, Giáo sư Trí không giấu được niềm vui, ông tự hào kể: “Chúng tôi đã xây dựng được một văn hoá rất đặc trưng của Viện Huyết học truyền máu Trung ương, từ lời ăn tiếng nói, mặc quần áo, đi thang máy, sử dụng những trang thiết bị… cho đến những vấn đề lớn hơn như nghiên cứu khoa học, về hội nhập quốc tế, rồi đến vấn đề đối xử với người bệnh, trong quan hệ tình đồng chí, đồng nghiệp… Nó đã đạt đến một văn hoá đặc biệt và đã được cộng đồng thừa nhận, bệnh nhân thừa nhận, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thừa nhận và được khách quốc tế thừa nhận”.
Với bản lĩnh, phong cách của người con Quảng Bình gốc, ông cũng là người mạnh dạn học tập, áp dụng nhiều kỹ thuật mới vào điều trị ung thư và các bệnh lý về máu, nâng số giường bệnh tại Viện lên gấp 3 lần… Viện Huyết học được thay da đổi sắc.
Nói về những dự định sau khi nghỉ hưu, có lẽ ở ông sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề chưa bao giờ tắt: “Tôi là một người đam mê công việc, mà nhất là nghề Y, tôi yêu họ, tôi yêu nghề Y này, tôi muốn được cống hiến”.
Coi bệnh nhân như người thân của mình
Sinh ra và lớn lên ở miền quê chiêm trũng Lệ Thuỷ, như bao bạn bè đồng trang lứa, tuổi thơ ông cũng lam lũ, nhọc nhằn. Nhưng như lời ông tâm sự, ông thật may mắn khi cha mẹ, dù vất vả vẫn luôn chăm lo việc học hành cho các con, trong đó có ông. Người cùng thời luôn xem ông là tấm gương sáng trong việc học hành, thi cử, đặc biệt là khi ông thi đỗ vào trường Đại học Y khoa Hà Nội. Lúc này, ước mơ của ông như được chắp cánh khi ông được những người thầy nổi tiếng như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Đặng Văn Trung, Giáo sư Phạm Khuê... trực tiếp giảng dạy.
Cuộc chia tay hiếm có khi Bác sĩ Nguyễn Anh Trí về hưu
Sau hơn 30 năm gắn bó với con đường mình lựa chọn, ông không chỉ là một bác sĩ, nhà khoa học với nhiều cống hiến cho nền y học nước nhà, mà còn là ân nhân của hàng vạn bệnh nhân khi vừa sử dụng kiến thức chữa bệnh cứu người, vừa huy động được hàng chục nghìn đơn vị máu để dành cho người bệnh những thời khắc thập tử nhất sinh.
“Luôn lấy người bệnh làm trung tâm. Bệnh nhân là khách hàng, chúng tôi là người phục vụ”. Đó là kim chỉ nam trong mọi hoạt động của Giáo sư Trí và ông cũng truyền “lửa nghề” ấy cho gần 1.000 nhân viên của mình. Đã từ lâu, cán bộ y tế của Viện đã quen với phong cách làm việc này của ông. Với họ, ông là một tượng đài hùng vĩ, một người “thuyền trưởng” đã vượt qua sóng gió để đưa Viện Huyết học truyền máu nói riêng, ngành Huyết học - Truyền máu nói chung trở thành thương hiệu vươn lên tầm cao mới, là địa chỉ tin cậy của người bệnh.
Ông bảo, cuộc đời khoác áo blouse ông đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong nghiệp cứu người, nhưng ông tự nhủ dù vui hay buồn đều không được quên, mà ngược lại phải nhớ. “Niềm vui nhớ đã đành, nhưng chuyện không vui mình nhớ như đó là một bài học để không chỉ áp dụng trong công việc, mà còn là hành trang truyền dạy lại cho thế hệ đi sau”.
Dù về hưu nhưng chưa dừng lại. Nhiều công việc, ý tưởng mới vẫn đang chờ vị Giáo sư ở phía trước. Ông đã chuẩn bị đầy đủ những điều kiện để tiếp tục cống hiến, với vai trò là một Giáo sư đầu ngành lĩnh vực Huyết học - Truyền máu và là một Đại biểu Quốc hội.
Đắm đuối “thắp ngọn lửa hồng”
Nhìn lại chặng đường 23 năm phát triển của công tác vận động hiến máu tình nguyện (1994 - 2017), có thể nói chưa khi nào sức mạnh cộng đồng được gắn kết, chung sức chung lòng lớn đến thế. Từ Lễ hội Xuân Hồng đến Giọt hồng tri ân, từ Chủ nhật Đỏ hay Trái tim tình nguyện đến Hành trình Đỏ... tất cả đều cho thấy giá trị nhân văn hết sức cao đẹp của hoạt động hiến máu tình nguyện mà trước hết phải kể đến tài năng và trí tuệ, vừa là nhà chuyên môn giỏi, vừa là nhà quản lý tài ba của Giáo sư Nguyễn Anh Trí.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí đang hiến máu lần thứ 21 khi đã bước vào tuổi 60
Ông là một trong những người khởi xướng, là thủ lĩnh phong trào hiến máu tình nguyện trên cả nước. Khi hoạt động hiến máu ở Việt Nam vừa ít về số lượng, vừa mất cân đối (chủ yếu là hiến máu lấy tiền), ông và các cộng sự kiên trì tuyên truyền, vận động các tổ chức chính trị, đoàn thể và mọi người dân tích cực tham gia hiến máu tình nguyện (không nhận tiền bồi dưỡng). “Lễ hội Xuân Hồng” và “Hành trình Đỏ” là hai phong trào hiến máu nhân đạo do ông khởi xướng, phát động đang thu hút đông đảo người dân trong cả nước tham gia. Người thủ lĩnh ấy cũng đã 21 lần trực tiếp hiến máu cứu người.
“Tôi là một bác sĩ chuyên khoa Huyết học - Truyền máu, tôi được học, được đào tạo về máu, về sự cần thiết của máu,…bản thân tôi hàng ngày được tiếp xúc với các bệnh nhân. Hơn ai hết, tôi là người hiểu sâu sắc nhất về sự cần thiết của máu để cứu chữa cho người bệnh” - Giáo sư Nguyễn Anh Trí tâm sự.
Hành trình Đỏ với thông điệp "Kết nối dòng máu Việt" đã thực hiện thành công sứ mệnh tuyên truyền, tổ chức hiến máu và nâng cao nhận thức người dân về bệnh tan máu bẩm sinh
Từ ý tưởng của Giáo sư là nên thành lập một ngân hàng máu sống tại các huyện đảo, hình ảnh vị Giáo sư đầu ngành có mặt tận vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để thiết lập và xây dựng ngân hàng máu sống cũng không phải là hiếm. Nhờ thế mà đến nay tình trạng thiếu máu đã cơ bản được giải quyết. Khi có bệnh nhân cần cấp cứu thì có người hiến tặng máu tình nguyện tại chỗ, từ đó nhiều người bệnh ở vùng xa đã được cứu.
Đến ngày hôm nay có thể nói, Giáo sư Nguyễn Anh Trí đã có một hành trình đầy đặn và viên mãn khi ông nhận được sự tôn vinh, yêu kính của đồng nghiệp, đồng bào. Đó mới là thành công lớn nhất trong cuộc đời của một người làm nghề y.
Một người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh, một nhà khoa học nghiêm túc, một cán bộ quản lý giỏi và là người được coi là “kiến trúc sư trưởng” của hệ thống Huyết học - Truyền máu Việt Nam… Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Nguyễn Anh Trí như một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, tạo động lực cho thế hệ y bác sĩ trẻ học tập, noi theo.
Hy vọng những người kế nhiệm ông sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ và phẩm chất đó để mang đến cho nhân dân niềm tin vào màu áo blouse, niềm tin vào y đức...