Giáo dục trong lao động là một trong 11 nguyên tắc của giáo dục có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành nhân cách người học. Bỏ qua, hoặc xem nhẹ nguyên tắc này đồng nghĩa với việc các nhà trường không hoàn thành mục tiêu giáo dục toàn diện.
Hiện nay, nhiều trường học chưa coi trọng hay thậm chí là bỏ qua nội dung giáo dục học sinh bằng lao động và thông qua lao động. Thay vì tổ chức cho các em lao động dưới hình thức thay phiên từng lớp trực nhật trong tuần với các công việc như quét dọn lớp, sân trường, nhổ cỏ, tưới nước cây, lau bàn ghế…như trước đây, thì nay tất cả những hoạt động này được “dịch vụ hóa” bằng cách thu “phí vệ sinh” để thuê nhân công làm thay.
Như vậy, học sinh chỉ việc đi học và đóng tiền là không phải tham gia bất cứ một hoạt động lao động nào và tất nhiên nguyên tắc giáo dục trong lao động đã bị bỏ quên. Hiện tượng này diễn ra khá phổ biến tại các trường thuộc khu vực thành phố, thị trấn.
Em Nguyễn Minh Đức, học sinh lớp 6A, trường THCS Cổ Nhuế, Hà Nội cho biết: “Vì đa số các bạn trong lớp không phải trực nhật khi học tiểu học nên vào cấp hai rất ngại những buổi lao động quét sân trường. Dù mỗi tuần có một buổi, nhưng nhiều bạn vẫn chưa hình thành thói quen lao động, chỉ một số có ý thức trách nhiệm cao, còn lại đều tỏ ra uể oải, làm việc hình thức cốt để đối phó với sự kiểm tra của các thầy cô giáo trực ban. Đối với những công việc như đổ thùng rác hay quét vũng nước thì nhiều bạn đùn đẩy nhau không ai chịu nhận”.
Từ đó có thể thấy, việc bỏ qua lao động ở các trường học hiện nay là một hình thức gián tiếp khiến học sinh lười vận động và sợ lao động. Không chỉ vậy chính các em cũng sẽ bị thiệt thòi khi không được tham gia vào nội dung giáo dục bổ ích, đó là giáo dục nhân cách thông qua lao động và bằng chính lao động của bản thân.
Tình yêu lao động, thái độ quý trọng người lao động và khả năng hoàn thiện các kỹ năng lao động phục vụ cho sinh hoạt, đời sống sẽ không thể hình thành nếu tách rời học sinh khỏi quá trình lao động thực tiễn. Nhận thức được điều này, nhiều bậc phụ huynh bày tỏ mong muốn các trường nên khôi phục lại kế hoạch tổ chức lao động cho học sinh.
Niềm vui của các học sinh khi được tham gia lao động tập thể ở trường
Chị Trịnh Thị Thủy, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội có con đang học tiểu học và THCS cho biết: “Sau giờ học ở trường, tôi cố gắng sắp xếp thời gian học tập cho hai cháu, để chúng có thể tham gia giúp bố mẹ một số công việc phụ trong nhà. Tuy nhiên, công việc nhà không thể thay thế hoạt động lao động tại trường.
Bởi lẽ, trường học mới là môi trường lý tưởng để trẻ dần hình thành ý thức, trách nhiệm lao động vì tập thể, thể hiện tình đoàn kết và rèn luyện kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm với các bạn cùng trang lứa.
Từ thành quả lao động đạt được ở trường cùng sự ghi nhận của bạn bè và thầy cô, khiến trẻ có thêm động lực và niềm hăng say lao động, biết quý trọng giá trị sức lao động của bản thân và người khác. Vì vậy, dù ở nông thôn hay thành thị các trường học cần tổ chức tốt và duy trì thường xuyên hoạt động lao động cho học sinh”.
Hiện nay chương trình học của các em khá nặng, hầu hết đều phải học 2 buổi/ngày nên khoảng thời gian trống dành cho các hoạt động khác không nhiều.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà các trường chỉ chú trọng việc dạy chữ cho học sinh mà xem nhẹ, bỏ qua các nội dung khác, trong đó có việc giáo dục học sinh bằng lao động.
Bởi chỉ khi đạt 4 tiêu chí: văn hóa, đạo đức, lao động và văn thể mỹ thì trường học mới thành công với nhiệm vụ giáo dục toàn diện học sinh.