Lần đầu tiên bà bật khóc khi đến gia đình bị hại để trao tiền. Không phải bà khóc vì bị hắt hủi, xấu hổ mà bà khóc vì xúc động.
Người mẹ tất tả, hất vội chiếc nón cời ra sau lưng chạy vội vào phòng xử án. Đứa con trai bà rất mực yêu thương hôm nay vướng vào vòng tù tội khiến trái tim bà như vỡ vụn. Bà thu mình ở một góc ghế khá xa đứa con trai để tránh khỏi cái nhìn ngấn lệ của con…
Nhà nghèo,chồng mất sớm, người phụ nữ sinh năm 1950 phải tất bật với nhiều nghề để mưu sinh, tuy nhiên cuối cùng bà đành gắn đời mình với công việc buôn ve chai và lấy đó làm nghề mưu sinh chính. Để có tiền nuôi các con, một ngày của bà thường đến sớm và kết thúc muộn hơn mọi người. Vừa thu mua, vừa đi nhặt… việc gì bà cũng làm chỉ mong có tiền nuôi con.
Bị cáo Công
Huỳnh Thành Công (1991, P.Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) là con trai út trong gia đình có bốn anh chị em. Thương con lớn lên côi cút không có tình phụ tử, bằng tình thương của người mẹ, bà mong mỏi khỏa lấp cả phần thiếu thốn đó trong con. Đến giờ này bà không hiểu liệu có phải vì tình thương của bà dành cho con quá nhiều nên con ỷ lại? Nói về Công, là con út nên Công được mẹ dành nhiều tình cảm hơn các anh chị. Hàng ngày Công ham chơi, ít làm. “Nhàn cư vi bất thiện”, Công tụ tập bạn bè để chơi rồi không biết từ bao giờ Công trở thành người phạm tội với tội danh “Giao cấu với trẻ em”.
Công bật khóc khi mẹ hôn lên trán mình
-Bị cáo có biết hành vi của mình là phạm pháp? HĐXX hỏi.
- Dạ, lúc đầu bị cáo không biết bởi bị cáo và K.T yêu nhau. Với lại K.T đến nhà bị cáo ở lại mấy ngày và cũng đồng ý “làm chuyện đó”. Bị cáo Công trả lời câu hỏi của HĐXX một cách gọn gẽ.
Không chỉ đối với bị cáo Công mà ngay đến mẹ của bị cáo cũng mơ hồ và ngạc nhiên khi con bị xét xử về tội danh đó. Hàng ngày đi làm về, trong người đã thấm mệt nên thấy có bạn của con ở nhà bà cũng chẳng mấy để ý. Vả lại bà thấy hai đứa có tình cảm với nhau nên bà để con tự do không cấm cản. Đó chính là nỗi ân hận dày vò bà từ khi con trai bị bắt giam cho đến nay. K.T (1996) đến chơi và ở lại nhà Công trong thời gian 4 ngày. Trong ngần ấy thời gian hai người đã ngủ chung phòng và cùng quan hệ tình dục nhiều lần. Câu chuyện đi đến hồi kết, vỡ lỡ từ khi gia đình K.T đi tìm và được K.T kể lại đầu đuôi. Sau lá đơn tố cáo là việc Công phải vào trại tạm giam để cơ quan Công an vào cuộc điều tra.
Biết con mình vào tù về tội “Giao cấu với trẻ em”, tinh thần bà suy sụp hẳn. Bà cho hay, nhiều khi đạp xe trên đường nhưng bà không biết mình đang đi đâu và làm gì vì cứ mãi nghĩ đến con. Bà bỏ nhiều ngày để đến gia đình bị hại thăm hỏi, xin lỗi vì những việc làm sai của con mình. “Con dại cái mang”, biết là vậy nên bà cũng đã mang 500.000 đồng đến gia đình bị hại để khắc phục hậu quả. Năm trăm ngàn có thể đối với một ai đó chẳng là bao nhưng đối với bà lại là một “khối tài sản”. Lần đầu tiên bà bật khóc khi đến gia đình bị hại để trao tiền. Không phải bà khóc vì bị hắt hủi, xấu hổ mà bà khóc vì xúc động. Bà cảm thấy mình được an ủi phần nào vì có người đã cảm thông trước hoàn cảnh của mình. Gia đình bị hại nhận số tiền trên rồi trao lại ngay cho bà. Mặc dù họ buồn vì con em mình nhưng họ lại không cầm lòng nhận số tiền nước mắt của một bà mẹ quá nghèo như bà. Một số tiền mà mấy ngày qua bà đã phải khổ công chạy vạy. Bà nghẹn ngào tâm sự: “Lần đầu tiên tôi mang đi một tài sản lớn nhưng tôi nhận lại từ đó nhiều hơn bội lần, đó là tình người…”
Suốt quá trình xét xử, mẹ Công nhìn con rồi lại vén áo lau nước mắt
Trong phiên tòa hôm ấy, ai cũng cảm nhận được lòng bao dung từ gia đình bị hại. Có thể hôm nay Công đứng đây và chịu sự trừng phạt của pháp luật là việc đương nhiên nhưng tình người đằng sau bản án sẽ là hành trang cho Công một khi Công trở lại với đời thường. Và nhất định Công sẽ nhận ra được đằng sau cái giá phải trả luôn có một cánh cửa thiện để mình bước vào.
Đứng tại phiên tòa Công đã thực sự nhận ra hành vi sai trái của bản thân, Công gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại, đến mẹ của mình. Sau khi được HĐXX phân tích, gia đình bị hại đã nhận thấy mình cũng có một phần trách nhiệm bởi chưa quan tâm, chăm sóc con em mình đúng mực nên mới dẫn đến kết cục buồn trên. Gia đình bị cáo cũng đã hiểu được rằng chính sự “vô tư” quá mức trước việc làm của con cái chính là khởi nguồn cho những việc làm trái pháp luật của con.
Giọt nước mắt hối lỗi.
TAND Q.Liên Chiểu đã tuyên phạt Công 3 năm 6 tháng tù giam về tội “Giao cấu với trẻ em”. Có lẽ đây cũng chính là bài học đắt giá nhất đối với Công bởi từ trước đến nay trong nhận thức của bị cáo “yêu là không có tội”. Trước khi ra xe trở lại trại giam, hai mẹ con Công ôm lấy nhau khóc nức nở. Trong tiếng nấc nghẹn ngào Công cố nói ra bằng lời “Con làm khổ mẹ, mẹ ơi”…