Chính trị

Giãn, hoãn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp

Duy Tuấn - Nguyên Thảo 01/11/2023 - 19:35

Tại phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024... chiều 1/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% mới giải ngân được 873 tỷ (gần bằng 2% kế hoạch). Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chuyển tiếp chính sách này bằng việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng cũng như các thuế khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Vì sao hỗ trợ lãi suất 2% chưa đạt?

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, đây là một chủ trương và quyết sách hết sức đúng đắn, chính xác và kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Chính phủ đã dành hơn 50% nguồn lực của chương trình cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội. Các dự án này đã được đầu tư 176.000 tỷ/337.000 tỷ của cả chương trình cho đầu tư hạ tầng, bên cạnh việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, người lao động.

011120230416-z4838853203399_09053006f9836dae8a1a963fa9e0c4fd.jpeg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng “một chính sách chúng ta chưa đạt được kết quả mà các đại biểu nêu rất nhiều, đó là hỗ trợ lãi suất 2%”. Hiện nay, mới giải ngân được 873 tỷ, gần bằng 2% kế hoạch. Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép sẽ thực hiện tiếp chương trình này đến hết năm 2023, nếu không đạt được, sẽ hủy dự toán. Thay vào chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này, chúng ta sẽ chuyển tiếp sang xin giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng cũng như các thuế khác trong thời gian tới để hỗ trợ cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Về lý do chưa đạt, theo Bộ trưởng, chủ yếu do nền kinh tế gặp khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện vay lại không vay, do đơn hàng, do tình hình sản xuất. Nhưng một số doanh nghiệp muốn vay lại không đủ điều kiện vay.

Đặc biệt, do thiết kế chương trình rất thận trọng, “chúng ta có quy định đối với những dự án "có khả năng phục hồi", cụm từ này dẫn đến người cho vay, các doanh nghiệp cho vay, đơn vị cho vay và các doanh nghiệp đi vay cũng rất ngại trong việc hiểu thế nào là doanh nghiệp "có khả năng phục hồi". Đấy là vấn đề chúng tôi cho rằng chưa đạt được kỳ vọng của chương trình đề ra”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Tăng năng suất lao động là "chìa khoá" cho tăng trưởng

Tương tự như vậy, nhiều đại biểu lo ngại về năng suất lao động không đạt chỉ tiêu đề ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, do mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động giữa các ngành, lĩnh vực còn chậm, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

“Riêng năm 2023 có một lý do nữa, đó là tăng trưởng kinh tế năm 2023 thấp hơn so với mục tiêu, sản xuất công nghiệp, xây dựng và bất động sản khó khăn, một bộ phận lao động chuyển sang khu vực dịch vụ, chủ yếu là các ngành nghề phi chính thức và có năng suất lao động thấp hơn”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trường, nguyên nhân cơ bản do “một bộ phận lao động dịch chuyển việc mới, nên cũng cần phải có thời gian học tập và đào tạo lại để thích nghi”.

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng một đề án tăng năng suất lao động dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thứ hai là giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng một đề án về chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động để thúc đẩy tăng năng suất và nhằm đưa năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng được các hiệu quả cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ cũng đã trình với Thủ tướng Chính phủ, hy vọng sắp tới sẽ được thông qua.

“Ngoài các vấn đề trên Chính phủ đang bám sát các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội để chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ lớn như là tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quan trọng quốc gia.

Trong bối cảnh khó khăn này, chúng tôi cũng rất mong Quốc hội sẽ tiếp tục đồng hành, giám sát và ủng hộ cho các chính sách Chính phủ sẽ tham mưu và trình với Quốc hội hỗ trợ cho nền kinh tế sớm phục hồi và sớm lấy lại đà tăng trưởng đạt được các mục tiêu của năm 2023 cũng như năm 2024 và mục tiêu của 5 năm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giãn, hoãn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp