Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ kiến nghị giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với nhóm DN có quy mô nhỏ. Một số ý kiến tại Báo cáo thẩm tra cho rằng, cần phân loại rõ tiêu chí về doanh thu, lao động và thiệt hại thực để tránh cào bằng.
Ảnh minh họa
Giúp DN nhỏ khôi phục sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng từ dịch COVID-19
Dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội thế giới và trong nước. Thực tế trong nước thời gian qua, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn; hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, nhất là doanh nghiệp có quy mô nhỏ đã phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động, tác động không nhỏ đến nền kinh tế và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2020.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ là các đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của nền kinh tế, Chính phủ trình Quốc hội về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác (nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ).
Theo đó, Chính phủ kiến nghị hai nội dung. Thứ nhất, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.
Thứ 2, Doanh nghiệp căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này để tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020”.
Việc đề xuất giảm thuế đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ “có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người” nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải. Thực tế là tính cả số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa thì doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và nếu việc áp dụng chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp có quy mô vừa thì gần như toàn bộ doanh nghiệp tại Việt Nam đều được hưởng giảm thuế và không mang nhiều ý nghĩa nhằm ưu tiên phát triển, đồng thời có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp có quy mô vừa với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ trong khi doanh nghiệp có quy mô vừa đã sẵn có nhiều lợi thế hơn (vốn, doanh thu, thị trường, lao động, công nghệ...).
Đề xuất áp dụng chính sách giảm thuế đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ nêu trên cũng dựa trên tính toán về khả năng, điều kiện NSNN trong bối cảnh hiện nay. Theo ước tính, việc đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả doanh nghiệp có quy mô vừa có thể làm giảm thu NSNN khoảng 22.440 tỷ.
Về tiêu chí xác định doanh nghiệp có quy mô nhỏ được giảm thuế, dự thảo Nghị quyết đề xuất lấy tiêu chí doanh thu (có thể kết hợp với tiêu chí lao động) sẽ phản ánh thực chất kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đúng bản chất kinh tế, đồng thời phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Mặt khác về quản lý cho thấy, lấy theo tiêu chí doanh thu (và lao động) thì cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý trong lĩnh vực thuế (và lĩnh vực lao động) có sẵn (kết quả doanh thu, lao động thể hiện trên hồ sơ doanh nghiệp) nên sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp và công tác quản lý.
Ngoài ra, do chính sách giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 chỉ áp dụng trong 01 năm (2020) cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vì vậy tiêu chí doanh thu và lao động cũng phải căn cứ theo doanh thu, lao động của năm 2020 để đảm bảo đúng đối tượng, phù hợp với thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 năm 2020.
Về tạm nộp và quyết toán thuế: Theo quy định của Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp tự tính, tự khai, tự nộp thuế. Do đó, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của mình, tự xác định có thuộc đối tượng được giảm thuế hay không để giảm 30% số thuế TNDN khi tạm nộp thuế theo quý và quyết toán thuế TNDN của năm 2020.
Với những kiến nghị này, Chính phủ cũng đã đưa ra các lý do cần thiết ban hành Nghị quyết. Đó là, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có số lượng doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số doanh nghiệp cả nước và các doanh nghiệp này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội.
Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc trên thế giới; dự kiến sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực của Việt Nam, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Vì vậy, để các doanh nghiệp có quy mô nhỏ có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh,vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh, góp phần đạt mục tiêu cao nhất có thể về tăng trưởng kinh tế của năm 2020.
Phân loại rõ các tiêu chí về doanh thu, lao động và thiệt hại thực tế
Báo cáo Thẩm tra về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về giảm số thuế phải nộp (30%) và áp dụng hai tiêu chí xác định là doanh thu (dưới 50 tỷ đồng), kết hợp với tiêu chí về lao động (dưới 100 lao động) để thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đối tượng này, vì đây là các đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh, khả năng tiếp cận vốn, trình độ quản lý và áp dụng công nghệ còn hạn chế trong khi nhóm đối tượng này chiếm đa số trong tổng số các đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc quy định giảm 30% cho các đối tượng này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tăng cường nguồn lực để phát triển. Đồng thời, việc hạn chế đối tượng theo doanh thu và người lao động như dự thảo Nghị quyết cũng không gây áp lực quá lớn lên thu ngân sách nhà nước trong năm 2020.
Một số kiến cho rằng, Nghị quyết quy định theo hướng chung cho tất cả đối tượng mà chưa phân loại rõ các tiêu chí về doanh thu, lao động và thiệt hại thực tế dẫn đến tình trạng cào bằng; một số đối tượng có doanh thu và lợi nhuận tăng cao trong giai đoạn dịch bệnh lại được hưởng chính sách giảm thuế này là chưa hợp lý, trong khi mục tiêu của việc ban hành Nghị quyết này là hướng tới nhóm đối tượng thực sự gặp khó khăn cần hỗ trợ trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh. Do đó, đề nghị cần quy định phạm vi của Nghị quyết chỉ áp dụng đối với những đối tượng có doanh thu năm 2020 giảm so với doanh thu năm 2019 hoặc có mức giảm doanh thu từ 30% năm 2020 so với năm 2019.
Có ý kiến đề nghị không phân biệt quy mô doanh nghiệp mà cần nghiên cứu để thực hiện giảm thuế cho tất cả các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.
Cũng có ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết chỉ hỗ trợ được cho các doanh nghiệp có lãi, chưa tính tới các doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, kinh doanh hoặc hoạt động không có lãi thì không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, Chính phủ cần có giải pháp tổng thể hơn cho nền kinh tế thay vì chỉ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đối tượng đang kinh doanh có lợi nhuận.